Sáng 16.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương là hơn 669.264 tỉ đồng. Tính đến ngày 10.7, các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng giao.
Còn 29.900 tỉ đồng chưa được phân bổ chi tiết
Theo Thủ tướng, hiện nay còn 29.900 tỉ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 30,49%. Trong đó, 33 bộ, cơ quan T.Ư và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước còn cao; nhiều bộ, cơ quan T.Ư, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.
Tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành GTVT,, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý và các dự án sử dụng vốn ODA còn thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ (32,76%).
Thủ tướng yêu cầu làm rõ và trả lời những câu hỏi quan trọng, vì sao được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà giải ngân vốn đầu tư chậm. Đây là vấn đề đặt ra nhiều năm qua, có nguồn lực mà không triển khai được. Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn" đã được chỉ ra trước đây được giải quyết đến đâu? Tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt? Những nơi làm tốt có những kinh nghiệm quý, bài học hay gì?
Phê bình các bộ ngành, địa phương giải ngân thấp
Đánh giá cao những kết quả mà các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đặc biệt là 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, Thủ tướng cũng phê bình nghiêm khắc 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương này nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, có giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ những nguyên nhân, vướng mắc khiến giải ngân chậm như còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, "mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường mà cấp phép như mỏ vàng"...
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu đạt trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm". Đặc biệt, vốn đầu tư công là tiền của của nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án.
Theo đó, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và phấn đấu đến năm 2025, nhất là hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ TN-MT và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án đường bộ cao tốc, các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, thi đua "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc" để hoàn thành 3.000 km cao tốc chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh.
Bình luận (0)