Nghe qua, thiên hạ không thể không ngỡ ngàng vì Mỹ và EU vốn vẫn coi lực lượng Hồi giáo là địch thủ. Gần như tất cả tổ chức chính trị và vũ trang của Hồi giáo đều bị họ coi là khủng bố. Sự trỗi dậy và thắng thế của Hồi giáo ở một số quốc gia Bắc Phi trong làn sóng chính biến là vị đắng mà phương Tây phải chấp nhận.
Trong bối cảnh, sự thất thế của lực lượng Hồi giáo ở Ai Cập là điều bất ngờ nhưng phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ và EU. Nhưng cách giới quân sự lật đổ tổng thống dân cử và chủ định truy sát lực lượng Hồi giáo lại khiến họ rất khó xử. Họ không dám công nhận hành động của giới quân sự là đảo chính vì làm thế sẽ không thể tiếp tục hợp tác và viện trợ cho giới quân sự và chính thể mới của Ai Cập. Trái lại, họ còn phải tẩy chay, bao vây, cấm vận và trừng phạt chính thể mới.
Cho nên Mỹ và EU mới phải nỗ lực ngoại giao hòa giải giữa các phe. Đó là cách gỡ gạc thể diện, vừa chứng tỏ là vẫn có vai trò và ảnh hưởng, vừa tránh bị bóc trần là lá mặt lá trái trong vấn đề này. Mục đích của họ không phải là cứu lực lượng Hồi giáo ở Ai Cập, mà tạo môi trường chính trị xã hội ở đây che được bản chất lợi ích thật sự của họ.
La Phù
Bình luận (0)