Gỡ khó cho 'đại dự án cao su' của Gia Lai

04/09/2018 06:55 GMT+7

Từ năm 2008 - 2011, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt 44 dự án cho 16 đơn vị trồng cao su trên đất quy hoạch lâm nghiệp, với diện tích hơn 32.000 ha. Các đơn vị đã trồng hơn 25.000 ha cao su.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và tỉnh Gia Lai qua kiểm tra 22 dự án của 7 đơn vị, đã phát hiện hơn 12.000 ha cao su bị chết và kém phát triển.
Nguyên nhân, theo các doanh nghiệp, Tập đoàn cao su VN và UBND tỉnh Gia Lai, tuy cao su được chăm sóc kỹ nhưng chỉ phát triển tốt trong 2 - 3 năm đầu, sau đó không phát triển được hoặc chết. Đa số diện tích cao su bị chết và kém phát triển được trồng từ năm 2010 - 2012, nay đã hết giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhưng thực tế sinh trưởng của cao su không đảm bảo theo tiêu chuẩn khai thác.
Còn theo báo cáo của Trung đoàn 710 thuộc Tổng công ty 15 (Bộ Quốc phòng), đơn vị đã lựa chọn khai thác thử nghiệm 5.200 cây (hơn 10 ha) nhưng lượng mủ chỉ đạt 500 kg/ha (bằng 30% năng suất tiêu chuẩn), chất lượng mủ kém; những cây khai thác thử nghiệm đã có hiện tượng chết ngọn và sinh trưởng kém dần.
Trước tình hình đại dự án cao su có nguy cơ thất bại, tỉnh Gia Lai đã đề nghị các bộ ngành trung ương cho chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hơn 12.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp có diện tích cao su chết, kém phát triển. Theo đó, số diện tích này được đề nghị chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp hoặc cây công nghiệp.
Bộ NN-PTNT đã đồng ý với đề nghị của tỉnh Gia Lai về việc chuyển đổi này, đồng thời lưu ý: Diện tích cao su chuyển đổi sang trồng các loại cây khác phải nằm trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Gia Lai được Chính phủ phê duyệt. Đối với diện tích cao su trồng trên đất có rừng (hơn 10.000 ha), khi chuyển đổi chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định...
Bộ TN-MT cũng có ý kiến lưu ý việc chuyển đổi phải tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, có kế hoạch thực hiện cụ thể, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất lâm nghiệp phát triển rừng.
Ông Ngô Ngọc Sinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chính phủ đã có văn bản đồng ý để tỉnh Gia Lai thực hiện việc chuyển đổi số diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang trồng các loại cây công nghiệp và nông nghiệp. Chúng tôi đã thông báo đến các đơn vị và đang có kế hoạch khẩn trương để thực hiện các công việc liên quan theo đúng quy định pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.