Thu hoạch tôm ở Cà Mau
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang gặp nhiều thách thức - Ảnh: Chí Tín |
Nhiều khó khăn
So với cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu năm 2013 của các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản ở các tỉnh thành ĐBSCL gặp không ít khó khăn. Ngoài việc “đói” nguyên liệu phục vụ chế biến, các DN còn phải đối mặt với biến động thị trường, lãi suất ngân hàng và hàng loạt chi phí phát sinh... Thêm vào đó, rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu chủ lực cũng gây trở ngại không nhỏ.
Riêng Cà Mau, địa phương hiện có diện tích và sản lượng thủy sản lớn nhất vùng ĐBSCL, mặt hàng thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như EU, Nhật, Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng xuất sang các thị trường này đã giảm 30%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh chỉ đạt 320 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Theo dự báo của ngành chức năng, nhu cầu thị trường tiêu thụ mặc dù có nhích lên ở những tháng cuối năm nay, song vẫn chậm bởi ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Thông tin từ Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết hiện nay, do không đủ nguyên liệu, 32 nhà máy trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động khoảng 43% công suất. Tình trạng tôm bơm tạp chất, hộ dân bỏ nuôi, dịch bệnh tràn lan, tôm chết hàng loạt… xảy ra ở một số tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre và Cà Mau trong thời gian qua khiến vấn đề thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu càng trở nên trầm trọng.
Hiện nay, việc các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines đầu tư mở rộng thị trường cũng tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp ĐBSCL. Bên cạnh đó, yếu kém về khâu tiếp thị, thiếu thôn đội ngũ các nhà quản lý, lao động có trình độ… là những khó khăn chung của ngành thủy sản.
Quyết liệt vào cuộc
Đến thời điểm này, các DN thủy sản của Cà Mau đã chế biến được 37.379 tấn, đạt 35% kế hoạch; trong đó, tôm đông lạnh được 24.619 tấn, đạt 25,6% kế hoạch, tôm nuôi chiếm 95% tổng lượng tôm thành phẩm, còn lại là các loại thủy sản khác.
Để gỡ khó cho các DN chế biến thủy sản, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng, cho biết tỉnh vừa triển khai một loạt các giải pháp mang tính đột phá, trong đó tập trung xử lý 4 vấn đề: nợ ngân hàng, nguyên liệu chế biến, hàng tồn kho và thị trường xuất khẩu. Với nợ ngân hàng, tỉnh chỉ đạo vừa thực hiện phương án khoanh nợ, giãn nợ theo chủ trương chung của Chính phủ, vừa rà soát phân loại DN. Nếu DN sử dụng vốn vay đúng mục đích sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ, ngược lại DN dùng không đúng mục đích thì không tiếp tục cho vay, đồng thời áp dụng biện pháp xử lý, thu hồi nợ quá hạn. Về khâu nguyên liệu, hiện nguồn cung tại chỗ chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của các nhà máy. Tỉnh chủ trương giải quyết bằng các phương án cụ thể như: tổ chức mạng lưới thu mua tôm nguyên liệu tận nhà dân, ký kết hợp đồng giữa nhà máy với người nuôi trên nguyên tắc “2 nhà” cùng có lợi; triển khai kế hoạch mua tôm nguyên liệu từ các tỉnh lân cận…
Trong tháng 7 này, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, DN thành lập Hiệp hội xuất khẩu để tạo được tiếng nói chung, nhằm giữ vững chất lượng, giá cả, nguồn nguyên liệu; đồng thời hỗ trợ nhau trong đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, chia sẻ kinh nghiệm... Tuy nhiên, vấn đề các DN xuất khẩu thủy sản kiến nghị là cần tổ chức lại sản xuất, nhất là nhanh chóng hình thành các khu nuôi tôm công nghiệp lớn để cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo sản xuất, không để tồn tại tình trạng thiếu hụt nguyên liệu như lâu nay.
Việc giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc hiện nay sẽ là liều thuốc kịp thời cứu các DN xuất khẩu thủy sản thoát khỏi nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản, đồng thời bảo đảm cho ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh thành ĐBSCL phát triển bền vững, đồng hành cùng lợi ích của DN và nông dân.
Chí Tín
Bình luận (0)