Gỡ khó cho nhà ở xã hội

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
20/07/2023 08:28 GMT+7

Tại phiên thảo luận chung kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10 hôm 17.7, các đại biểu đã chỉ ra những vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, qua đó kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

HÀNG LOẠT BẤT CẬP

Góp ý về việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn, đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường cho biết, tính đến tháng 5.2023, toàn TP đã hoàn thành 15.213 căn hộ chung cư, 1.146 phòng KTX. Đối với dự án ngân sách nhà nước, đã hoàn thành 39 dự án chung cư (với 10.579 căn hộ), 2 dự án KTX tập trung và hiện đang thực hiện chuyển đổi công năng KTX sang NƠXH cho công nhân (728 căn hộ), đang triển khai 1 dự án (209 căn hộ). TP đang chuẩn bị dự án chung cư xã hội cho người có công với cách mạng trên đường Vũ Mộng Nguyên. Với NƠXH có vốn ngoài nhà nước, đã triển khai 9 dự án (7.511 căn hộ), hoàn thành hơn 4.000 căn hộ, đang kêu gọi đầu tư 4 dự án (khoảng 3.500 căn hộ). Riêng dự án nhà ở công nhân tại các KCN đã hoàn thành 950/1.496 NƠXH.

Gỡ khó cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Dù chiếm đến 82% NƠXH của cả nước nhưng nhu cầu của người TP.Đà Nẵng vẫn rất cao

HOÀNG SƠN

Theo ông Cường, với quỹ NƠXH hiện nay, thời gian đến TP sẽ cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ về xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, TP vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp để thực hiện. Cụ thể, về quỹ đất xây dựng quy định bắt buộc về bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn mang tính cứng nhắc, chưa phù hợp với quy mô, tính chất từng dự án. Hiện nay, có tình trạng bất cập trong lựa chọn chủ đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhưng phải thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký.

Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư NƠXH, tuy nhiên thủ tục, trình tự lựa chọn vẫn còn phức tạp và thời gian kéo dài. Thủ tục đầu tư xây dựng gần như tương tự dự án nhà ở thương mại, thời gian kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của chủ đầu tư. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng NƠXH bằng vốn ngoài ngân sách chưa đủ hấp dẫn, chưa khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia. Quy định chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% NƠXH để cho thuê và được bán sau 5 năm còn mang tính cứng nhắc. Trên thực tế, có nhiều dự án không cho thuê được dẫn đến tình trạng các căn hộ để trống, trong khi đó chủ đầu tư không được bán, không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và không thu hút vào đầu tư NƠXH.

Gỡ khó cho nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Chính sách ưu đãi còn hạn chế, thủ tục đầu tư phức tạp khiến nhà đầu tư NƠXH không mặn mà

HOÀNG SƠN

Theo đại biểu Cường, TP chưa phát huy nguồn lực nhà nước để phát triển NƠXH, quy định hiện hành chỉ cho phép nhà nước đầu tư xây dựng nhà để cho thuê, cho thuê mua. Trường hợp muốn bán NƠXH để đầu tư NƠXH khác thì phải lập đề án báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

KIẾN NGHỊ ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC

Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu NƠXH cho đối tượng yếu thế, đối tượng thụ hưởng chính sách góp phần xây dựng mục tiêu 1 triệu căn hộ của Chính phủ và cũng là mục tiêu chương trình "3 có" của TP, TP.Đà Nẵng cần kiến nghị Quốc hội điều chỉnh Luật Nhà ở 2014 về việc dành quỹ đất 20% diện tích đất trong các dự án phát triển đô thị theo hướng cho UBND cấp tỉnh trong quá trình lập các đồ án quy hoạch xem xét, bố trí quỹ đất NƠXH phù hợp với tính chất của từng đô thị. Để phát huy nguồn lực nhà nước trong việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm tái đầu tư NƠXH, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét phân cấp cho UBND TP tự xây dựng đề án và chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện.

"Kiến nghị xem xét điều chỉnh Thông tư số 09 Bộ Xây dựng về hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH. Theo đó, nên đơn giản hóa về trình tự, thủ tục lựa chọn những chủ đầu tư dự án nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư, nhất là dự án có vốn ngoài ngân sách. Kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát, bổ sung quy chế quản lý, sử dụng, xử lý vi phạm nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và mô hình tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác vận hành, quản lý NƠXH thuộc sở hữu nhà nước", ông Cường nói. Ông cũng đề nghị các sở, ngành có phương án thực hiện để tận dụng nguồn 120.00 tỉ đồng của Ngân hàng nhà nước về phát triển NƠXH và tận dụng nguồn lực tối đa từ nhà đầu tư tư nhân…

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết cả nước có 15.000 NƠXH thì Đà Nẵng chiếm đến 82%. Trong những năm qua, TP đã dành 3.500 tỉ đồng để đầu tư NƠXH, nhiều địa phương đã học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng về chương trình NƠXH. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, TP vẫn còn thiếu NƠXH. Nhiều cử tri có ý kiến, ngoài những hộ khó khăn về nhà ở thuộc đối tượng được cho thuê chung cư, đề nghị TP nên dành quỹ nhất định để giải quyết cho những trường hợp khó khăn cụ thể. "Chúng tôi đã có phản ánh với UBND TP. Đề nghị UBND TP tiếp thu các ý kiến của các đại biểu", ông Triết nói.

Gỡ khó cho nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Tại TP.Đà Nẵng có hàng loạt khu đất công bỏ hoang lâu năm gây bức xúc người dân

HOÀNG SƠN

Xử lý dứt điểm tình trạng đất công bị bỏ hoang

Cũng tại kỳ họp lần này, bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, đặt vấn đề về công tác quản lý quỹ đất cho thuê trên địa bàn TP chưa phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, dữ liệu báo cáo không đồng bộ. Chẳng hạn, nhiều cơ sở đã hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn chưa được gia hạn hoặc thu hồi theo quy định; một số trường hợp đã hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất, mặt nước chu kỳ 2017-2021 nhưng đến nay chưa ban hành đơn giá cho chu kỳ tiếp theo; nhiều lô đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có biên bản bàn giao đất nên cơ quan thuế vẫn chưa có cơ sở dừng tính tiền thuê đất phải nộp…

Cũng theo bà Nhung, nhiều nhà, đất công sản chưa được cập nhật, báo cáo tài sản đầy đủ, kịp thời; hơn 58% cơ sở nhà đất công sản chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, rất nhiều cơ sở nhà đất chưa theo dõi hạch toán giá trị tài sản; một số cơ sở nhà đất cho thuê, liên danh, liên kết chưa đảm bảo quy định; một số cơ sở nhà đất còn bỏ trống, chưa sử dụng hiệu quả; việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công còn rất bị động. Đại biểu Trần Tuấn Lợi đề nghị TP cần phải rà soát lại tất cả các trường hợp hết thời hạn thuê đất để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ và chính xác; đồng thời, khẩn trương xem xét đề xuất giải quyết cho gia hạn hoặc thu hồi theo quy định nhằm không để lãng phí tài nguyên đất đai cũng như thất thoát tiền thuê đất.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị UBND TP và các ngành liên quan, rà soát tính pháp lý, hồ sơ pháp lý nhà đất công sản chặt chẽ theo phương án sắp xếp tài sản công theo Nghị định 167. Hiện có nhiều nhà công sản đang xin ý kiến của bộ hoặc chuẩn bị sắp xếp lại theo tinh thần của Nghị định 167, đề nghị Sở Tài chính và UBND TP theo dõi, đôn đốc để sắp xếp cho phù hợp. "Tập trung xử lý dứt điểm những tài sản công không sử dụng lâu ngày. Cử tri phản ánh rất nhiều lần về tình trạng các khu đất công bỏ hoang, gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, thậm chí thành ổ ma túy, tội phạm… Đề nghị UBND TP rà soát, có giải pháp cụ thể cho từng trường hợp; báo cáo Thường trực HĐND TP để có phương án sử dụng cụ thể, tránh lãng phí", ông Triết nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.