Gỡ nút thắt thể chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

28/10/2024 23:17 GMT+7

Theo chuyên gia, cần gỡ nút thắt thể chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời lưu ý công tác giám sát để tạo cuộc đua tranh giữa các bộ, ngành, địa phương.

Chia sẻ những ấn tượng về giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay tại tọa đàm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 28.10, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Kinh tế Việt Nam) Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh về tốc độ giải ngân cho dự án đường dây 500 kV mạch 3.

"Chỉ 6 tháng đã tuyên bố hoàn thành dự án, đây là điều thần kỳ với Việt Nam. Tiến độ khủng khiếp, nếu không giải ngân vốn tốt thì không làm được điều này. Ấn tượng nữa là trường hợp triển khai dự án sân bay Long Thành, tốc độ cũng rất đáng kể", ông Thiên nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Thiên cũng đề cập khía cạnh ấn tượng mạnh nhưng ngược lại là về việc giải ngân vốn đầu tư công chưa tốt.

Gỡ nút thắt thể chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công  - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên phát biểu tại tọa đàm

ẢNH: ĐT

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết 10 tháng năm 2024, có 15/44 bộ, cơ quan T.Ư và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt như: Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Bộ GTVT (67,42%), Bộ NN-PTNT (64,63%), Hòa Bình (74,91%), Tiền Giang (74,43%)…

Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan T.Ư và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước… Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: TP.HCM (19,63%); Phú Yên (24,63%); Kon Tum (27,45%); Quảng Ngãi (27,98%). Ông Đức nhấn mạnh việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao gây ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

"Nỗ lực rất lớn chứ không còn là bình thường nữa"

Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, đến nay nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu...).

Cạnh đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

Ông Thiên đánh giá, trong cùng một hệ thống, cùng cơ chế, chính sách nhưng tốc độ giải ngân khác nhau cũng là chuyện khá bình thường. Điều đáng nói, các trường hợp giải ngân đạt kết quả tốt là phải "nỗ lực kinh khủng".

Nhìn nhận cơ chế chưa đạt đến mức độ tự động giải quyết được các vấn đề thủ tục, nhiều trường hợp làm cho nhiều việc trở nên khó khăn, vị chuyên gia cho rằng: "Thời điểm hiện tại, điểm nghẽn của điểm nghẽn là cơ chế, phải làm sao tạo được cơ chế thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên mọi điều kiện".

Bên cạnh gỡ nút thắt thể chế, ông Thiên cũng lưu ý công tác giám sát để tạo cuộc đua tranh. "Tại sao tỉnh này làm được mà tỉnh khác chưa làm được, bộ này làm tốt mà bộ khác làm chưa tốt… Các địa phương, bộ, ngành không thể chỉ vin vào lý do khó khăn đặc thù. Mỗi địa phương phải tự kiểm điểm cho nghiêm túc", ông Thiên nói.

Nhắc tới trường hợp giải ngân thần tốc trong triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3, ông Đức cho biết: "Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm dự án này. Dự án cũng lựa chọn đơn vị thi công có năng lực thực sự. Đó là bài học quan trọng. Ở địa phương cũng vậy, lãnh đạo phải tâm huyết, coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đồng thời phải có sự lựa chọn tốt nhất về nguồn lực…".

Từ góc độ đơn vị có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tích cực, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ GTVT), bộc bạch: "Nỗ lực của Bộ GTVT rất lớn chứ không còn là bình thường nữa. Bộ GTVT phải nỗ lực quá nhiều để thay cho các vướng mắc về thể chế, cách tiếp cận như vậy lâu dài không tốt. Thời gian tới cần đưa ra thể chế, chính sách để các bộ, ngành chỉ nỗ lực thực hiện bình thường cũng đã có thể làm tốt rồi".

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31.10 là 355.616,1 tỉ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách T.Ư đạt 54,9%, đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp ở mức 50,8%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.