Hội nghị nhằm phổ biến, giải đáp các vướng mắc liên quan thực hiện quy định về lao động, việc làm, an toàn lao động, các chế độ chính sách BHXH...
Đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đặt câu hỏi về việc giải quyết chế độ ốm đau cho các trường hợp nhiễm Covid-19 |
PHẠM THU NGÂN |
Tại hội nghị, các DN đã đặt câu hỏi liên quan chính sách hỗ trợ cho người lao động (NLĐ); trợ cấp thôi việc cho NLĐ; phản ánh thái độ của viên chức khi giải quyết thủ tục hành chính... Đáng quan tâm, đại diện Công ty cổ phần Acecook VN thắc mắc việc giải quyết chế độ ốm đau cho NLĐ nhiễm Covid-19. Theo đại diện công ty, trước đó, BHXH TP.HCM có công văn giải quyết chế độ ốm đau đối với những người nhiễm Covid-19 điều trị, cách ly tại nhà. Tuy nhiên, đến ngày 26.11, lại có công văn không cho duyệt chế độ ốm đau với đối tượng này, đồng thời phải bổ sung các giấy tờ theo Thông tư 56 của Bộ Y tế.
Covid-19 sáng 1.12: Cả nước 1.238.082 ca nhiễm | Vắc xin có hiệu quả với biến thể Omicron? |
Không để ảnh hưởng quyền lợi người lao động
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, giải thích theo quy định của luật BHXH và Thông tư 56 của Bộ Y tế, chứng từ để thanh toán các chế độ ốm đau là “giấy xuất viện đối với trường hợp điều trị nội trú” và “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú”. Hiện nay, F0 điều trị Covid-19 tại nhà được cấp giấy hoàn thành cách ly/điều trị do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch/y tế phường cấp.
Trong thời gian giãn cách xã hội, BHXH TP.HCM đã tiếp nhận các hồ sơ, giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền cấp cho NLĐ nhiễm Covid-19 để làm căn cứ giải quyết các chế độ ốm đau, nhưng không theo mẫu quy định. Thế nhưng, đến ngày 19.11, Bộ Y tế có công văn trả lời BHXH VN, nêu rõ, các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư 56 sẽ không được giải quyết. Vì vậy, BHXH TP.HCM đã tạm thời dừng chi trả chế độ ốm đau cho NLĐ cách ly điều trị Covid-19 tại nhà; chỉ giải quyết chế độ theo đúng biểu mẫu của Thông tư 56. Đồng thời, ông Thanh đề nghị NLĐ liên hệ các cơ sở y tế hoặc trạm y tế địa phương để hoàn thiện lại hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định.
Phản hồi câu trả lời của lãnh đạo BHXH TP.HCM, đại diện Công ty cổ phần Acecook VN cho rằng việc yêu cầu NLĐ trở về các cơ sở y tế để xin cấp lại các giấy tờ như các biểu mẫu theo Thông tư 56 rất khó khăn. Đại diện công ty này cũng nói có nơi từ chối cấp lại vì lý do đã qua rồi, không có cơ sở cấp lại hoặc giải thích không có chức năng giải quyết hưởng BHXH cho NLĐ mắc Covid-19. Một số đại diện công ty khác cũng lo ngại, với NLĐ từ tỉnh quay về TP.HCM làm việc, nếu bây giờ yêu cầu họ về lại tỉnh xin giấy đó rất khó.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh yêu cầu các đơn vị nêu cụ thể nơi nào không cấp lại được, đồng thời sẽ trao đổi, làm việc với các sở ngành có liên quan để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho DN, không để ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ.
Công nhân bị lây nhiễm Covid-19 từ công ty có tính là tai nạn lao động?
Tại hội nghị, một công ty sản xuất phần mềm ở Q.Phú Nhuận đặt câu hỏi nếu NLĐ bị lây nhiễm Covid-19 từ công ty và tử vong vì Covid-19 thì có được tính là tai nạn lao động (TNLĐ) và được hưởng chế độ TNLĐ không? Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết: “Việc nhiễm Covid-19 tại công ty và tử vong vì Covid-19 là nội dung chưa có tiền lệ. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ ghi nhận, kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH để hướng dẫn nội dung này”.
Bình luận (0)