Khởi công đầu tiên trong 3 dự án đường vành đai của TP.HCM, nhưng Vành đai 2 lại là dự án nằm trong danh sách các công trình trễ tiến độ nhức nhối nhất.
Khởi công 2 đoạn Vành đai 2 ngay cuối năm nay
Được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64 km, công trình có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Song, đến khi đã hoàn thiện 50 km, chỉ còn 14 km để khép kín, Vành đai 2 phải tạm dừng, kéo theo nhiều hệ lụy. Sau nhiều phương án được nghiên cứu, 14 km Vành đai 2 còn lại phải chia làm 4 dự án.
Trong đó, mới chỉ có một đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 (TP.Thủ Đức) đã khởi công từ năm 2017. Tuy nhiên, công trình đã phải tạm dừng từ tháng 6.2020 khi đạt hơn 40% khối lượng. Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, các sở ngành đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho đoạn này. Nếu giải quyết được các khó khăn, đoạn 3 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.
Đối với 3 đoạn còn lại (đoạn 1, 2 và 4) có tổng chiều dài hơn 11 km, Sở GTVT cho biết cần hơn 30.000 tỉ đồng để triển khai thực hiện. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lên đến 21.821 tỉ đồng, chiếm khoảng 2/3 tổng mức đầu tư.
Cụ thể, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP.Thủ Đức) dài 3,5 km, có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỉ đồng. Dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2023. Hiện TP.Thủ Đức đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công vào tháng 12 năm nay. Đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức) dài 2,8 km, tổng vốn đầu tư khoảng 4.543 tỉ đồng cũng dự kiến được khởi công vào tháng 12.
Đối với đoạn 4 nằm ở phía nam TP, dài 5,3 km nối QL1 qua đường Nguyễn Văn Linh có tổng mức đầu tư 16.400 tỉ đồng, Sở GTVT đã đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc huy động vốn bên ngoài, bao gồm cả việc nghiên cứu đầu tư bằng hợp đồng BT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết về cơ bản, Vành đai 2 đã bước qua những giai đoạn trắc trở nhất để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, việc chuẩn bị đầu tư đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu - đường Võ Nguyên Giáp) và đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng) đang vướng mắc một số vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch chung TP.Thủ Đức, TP.HCM đến năm 2040.
Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án xây lắp, lãnh đạo ngành giao thông TP nhận thấy cần rà soát, điều chỉnh một số nội dung liên quan đoạn 1 và đoạn 2 của Vành đai 2, gắn với tuyến metro số 6 và tuyến đường trên cao số 5 để đảm bảo phù hợp kết quả nghiên cứu chi tiết của đơn vị tư vấn, đảm bảo các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật. Vì vậy, Sở GTVT TP đã phối hợp các đơn vị tư vấn điều chỉnh cục bộ hướng tuyến metro số 6 để khắc phục các nhược điểm hiện hữu, đồng thời cập nhật phương án mới đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Tương tự, đề xuất bổ sung hướng tuyến mới trong quy hoạch tuyến đường trên cao số 5 dọc theo hành lang Vành đai 2. Duy chỉ còn 2 đoạn tuyến đường sắt quốc gia chủ yếu liên quan dự án xây lắp đoạn 2, Ban Giao thông chưa thống nhất các phương án với Cục Đường sắt VN, chưa hoàn thiện và trình báo cáo nghiên cứu khả thi.
"Về cơ bản, kế hoạch khép kín hoàn toàn Vành đai 2 vào 2027 vẫn đang được đảm bảo", lãnh đạo Sở GTVT thông tin.
Giải "cơn khát" cát cho Vành đai 3
Trong khi Vành đai 2 đang nỗ lực để có thể khởi công đúng kế hoạch thì dự án Vành đai 3 lại đang gặp khó ngay trong giai đoạn bứt tốc.
Trên công trường đường Vành đai 3 tại TP.HCM cùng 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, máy móc rầm rập thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên tết. Tại TP.HCM, tiến độ các dự án thành phần của đường Vành đai 3 đang rất khả quan. Suốt đoạn tuyến khoảng 47 km, địa phương đã bàn giao đến hơn 98% diện tích mặt bằng phục vụ dự án (gồm tuyến chính và 2 đường song hành), tạo điều kiện cho các đơn vị thi công triển khai đồng loạt các dự án thành phần.
Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông (Ban Giao thông) TP.HCM Lương Minh Phúc cho biết dự án đang bám sát đúng theo tiến độ đã đăng ký với Quốc hội và Chính phủ. Hiện nay, dự án đã hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán 10/14 gói thầu xây lắp chính. 4 gói thầu phục vụ vận hành khai thác đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt và dự kiến bắt đầu triển khai cuối năm 2024 theo tiến độ thực hiện các gói thầu chính.
"Từ nay đến năm 2025, Ban Giao thông sẽ nỗ lực đảm bảo đúng tiến độ dự án với Chính phủ hoàn thành tuyến chính đường Vành đai 3 vào cuối năm 2025 và đến năm 2026 đưa đường Vành đai 3 đi vào khai thác", ông Phúc cho biết.
Tuy nhiên, các nút thắt nguồn cát vẫn đang đe dọa tiến độ dự án từng ngày. Trong tháng 4 và tháng 5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có tới 2 cuộc họp, một là chủ trì họp cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường; Bộ GTVT và Chủ tịch UBND các tỉnh TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang về chủ trương các tỉnh thống nhất sẽ hỗ trợ cát đắp nền cho dự án theo đề nghị của UBND TP.HCM;
hai là cuộc họp tại tỉnh Vĩnh Long, đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản và chủ trương cung cấp cho dự án. Hiện cũng đã có kết quả khảo sát 44 mỏ (trong đó 28 mỏ đạt chất lượng với tổng trữ lượng khoảng 37 triệu m3) .
Thế nhưng, theo Sở GTVT TP.HCM, mặc dù các nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường, nhưng khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Đến nay, tuy các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre mặc dù đã có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền đường cho Vành đai 3. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành các thủ tục liên quan thì các địa phương mới có thể cung cấp sớm cát cho Vành đai 3. Trong khi theo kế hoạch của các tỉnh, sớm nhất trong tháng này mới hoàn thành xong các thủ tục liên quan, khi đó các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua thương mại để cung cấp cát về cho dự án. Việc khảo sát nguồn cát Campuchia vẫn cần thêm thời gian mới có thể hoàn thành.
"Chạy nước rút" các dự án mở cửa ngõ
Bên cạnh khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, TP.HCM đặt mục tiêu đến 30.4.2025 sẽ khởi công Vành đai 4. Cả 3 dự án đang được thực hiện song song và sẽ nối trọn vòng vành đai cho TP.HCM vào 2027. Từ nay đến lúc đó, hệ thống quốc lộ và các trục giao thông chính mở cửa ngõ, kết nối từ trung tâm TP với mạng lưới đường vành đai đang được triển khai gấp rút hoàn thiện.
Khắp 4 phía đông, tây, nam, bắc, các tuyến đường "nóng" hầm hập từ sáng đến tối vì những dãy lô cốt dài hàng trăm mét chiếm dụng quá nửa mặt đường, khiến các điểm nóng giao thông càng trở nên ngột ngạt. Điển hình, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) đang là nút thắt lớn nhất, bóp nghẹt giao thông khu nam TP. Đều đặn sáng nào cũng vậy, từ 7 giờ, hàng dài xe bồn, xe tải, xe con chia nhau dàn hàng hết 2 làn đường, kéo dài hơn 1 km từ đoạn giao với đường Đông - Tây (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) tới tận vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Cầu Rạch Đĩa 2 nếu trước đây ngày hai lần sáng - chiều, chia đều 2 hướng biến thành những "bãi đậu xe" khổng lồ thì nay bất kể giờ nào, hình ảnh xe máy chen chúc len lỏi vào trong làn ô tô, leo lên cả phần cầu dành cho người đi bộ cũng thường xuyên diễn ra. Do rào chắn chiếm trọn ngã tư nên ùn tắc cũng dồn sang các tuyến đường thay thế, khiến giao thông khu nam TP thời gian qua bức bối nghiêm trọng.
Theo chủ đầu tư, toàn dự án đến nay đã đạt khoảng 63% tiến độ thi công. Dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng ngoài hầm chui số 2 (HC2) trước ngày 31.7 và tổ chức giao thông để thông xe trước nhánh hầm HC2 trong tháng 8. Đặc biệt, cuối tháng 9 này, Ban Giao thông sẽ tháo rào chắn giữa giao lộ (gồm cả 2 hầm chui), để trả lại hiện trạng như trước kia, giúp việc đi lại của người dân trở lại bình thường. Nhánh hầm số 1 (HC1) dự kiến thông xe trước ngày 31.12, thông xe toàn dự án vào cuối năm 2024.
Không chỉ cửa ngõ phía nam bị chiếm trọn nút giao huyết mạch, đến lượt cửa ngõ phía đông TP cũng phải nhường 1 phần đường cho công trình thi công nút giao An Phú. Một tháng qua, sau khi Sở GTVT TP.HCM phân luồng lại giao thông khu vực nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ để xây dựng hầm chui cho nút giao An Phú, các phương tiện không được rẽ trái từ Đồng Văn Cống về Mai Chí Thọ, mà đi đường D2, D1 để rẽ ra đường Mai Chí Thọ. Lượng phương tiện dồn vào các tuyến đường thoát xe tạm D1, D2 gây thêm điểm ùn tắc mới. Ùn tắc bủa vây hàng loạt tuyến đường lân cận như Lương Định Của, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, đường song hành cao tốc…
Sau khi chiếm dụng 1 phần nút giao, trên công trường hiện mỗi ngày nhà thầu chia làm 3 ca thực hiện xuyên suốt. Mỗi ca làm việc có hơn 30 công nhân, kỹ sư và cán bộ nhà thầu. Hiện cầu Bà Dạt đã hoàn thành 80% mặt cầu, đang thi công mố cầu và đường dẫn đầu cầu, dự kiến hoàn thành cuối tháng 6 năm nay. Cầu Giồng Ông Tố gồm 6 làn cho xe lưu thông 2 chiều cũng hoàn thành khoảng 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành và thông xe tháng 9. Toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào dịp 30.4.2025.
Phía khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, mật độ giao thông cũng đang "nóng hôi hổi" khi giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (P.2, Q.Tân Bình) là điểm đầu tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hiện đang thi công gói thầu số 9 của dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Trước đây, đường Cộng Hòa, Trường Chinh mặc dù mặt đường rất rộng nhưng đã quá tải vì lưu lượng phương tiện lưu thông quá lớn. Nay thêm phần rào chắn chiếm dụng quá nửa mặt đường khiến tình hình càng trở nên căng thẳng.
Sau khi hoàn thành cầu vượt tạm thứ 1 hồi tháng 4, phía nhà thầu đang chuẩn bị thi công cầu vượt tạm thứ 2 với quy mô hai làn xe và 1/2 hầm kín (phía công viên Hoàng Văn Thụ). Cầu dự kiến dài 100 m, rộng 9 m, đưa vào sử dụng từ 25.6 để hỗ trợ giảm nhiệt giao thông khu vực này. Dự kiến toàn bộ hầm kín với quy mô dài 79 m, rộng từ 5 - 9 m sẽ hoàn thiện vào 31.12.
3 tuyến vành đai
Quy hoạch TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km:
Đường Vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành.
Đường Vành đai 3, Vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất điều chỉnh:
- Tuyến metro số 6 (vành đai trong) trên địa bàn TP.Thủ Đức, từ vị trí ga Phú Hữu (kết nối đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành) vượt qua đường Võ Chí Công đi theo dải quy hoạch cây xanh, sau đó đi theo đường Vành đai 2 quy hoạch; đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng, tuyến rẽ trái và chạy dọc theo đường Phạm Văn Đồng, kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất.
- Tuyến trên cao số 5 là tuyến dọc theo hành lang Vành đai 2. Tuyến đường sắt Tân Kiên - Thủ Thiêm - An Bình sẽ đi theo hướng Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Võ Nguyên Giáp - Vành đai 2, theo lộ tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu về ga An Bình. Tuyến đường sắt An Bình - Sài Gòn (Hòa Hưng): tuyến đi dọc đường Phạm Văn Đồng, giao cắt nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng.
Bình luận (0)