Gỡ vướng cho đấu thầu thuốc, thiết bị y tế

Chí Hiếu
Chí Hiếu
23/06/2022 19:10 GMT+7

Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc các quy định hiện về mua sắm, đấu thầu thuốc , thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Hôm nay 23.6, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh.

Dịch bệnh có thể gia tăng vì nguy cơ xuất hiện các biến thể mới

Thông báo nêu rõ tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nhiều chuyển biến rất tích cực, số ca mắc mới, chuyển nặng và tử vong đều giảm sâu; góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều bệnh viện đang có nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế

duy tính

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đang nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể làm cho dịch bệnh trở lên phức tạp, gia tăng trở lại. Mặt khác, các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng,… đang bước vào giai đoạn cao điểm có thể bùng phát thành dịch, nhất là ở các tỉnh phía nam.

Thực tế cho thấy đang xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiến độ tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 chưa đáp ứng yêu cầu;... tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư và sinh phẩm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đang được nhân dân và dư luận quan tâm, lo lắng.

Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành cơ quan T.Ư và các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo môi trường an toàn, thuận lợi thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; sẵn sàng các phương án, kịch bản cụ thể để có thể chủ động, kịp thời ứng phó hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Làm rõ biện pháp nào là bắt buộc trong phòng chống dịch

Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên cả nước, trong đó xác định rõ từng đối tượng được tiêm, thời hạn tiêm mũi nhắc lại;... chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung cần phải chỉ đạo, giải quyết nhưng vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để hoàn thiện Thông điệp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó chỉ rõ biện pháp nào là bắt buộc, biện pháp nào là khuyến nghị, báo cáo Thủ tướng trước 27.6 tới.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn các địa phương thực hiện việc thanh, quyết toán chế độ cho các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19; nhất là đối với các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch để kịp thời thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân đã có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế trên địa bàn.

Bộ Thông tin - Truyền thông được giao chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thành quả phòng, chống dịch; về lợi ích của tiêm vắc xin kể cả trường hợp đã nhiễm Covid-19, về tác dụng phòng ngừa của vắc xin với các biến chủng mới của Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.