Góc chơi cho con trẻ

17/06/2018 20:32 GMT+7

Thời điểm nghỉ hè cũng là lúc không ít gia đình "nhức đầu" tìm chỗ chơi cho con trẻ sao cho vui, khỏe, hữu ích và an toàn.

Làm sao để tạo nên ấn tượng, sinh khí an vui cho trẻ vui đùa mà không ảnh hưởng đến nội khí là tiêu chí phong thủy cho góc chơi của trẻ tại nhà.
Thực ra, do thói quen lâu nay quan niệm trẻ em chủ yếu là học hành, ăn ngủ nên chỗ chơi, nếu có, thường khá ít hoặc... nằm bên ngoài nhà ở như nơi công cộng, siêu thị hoặc công viên. Điều đó dẫn đến sự thiếu vắng không gian vui chơi tại nhà cho con trẻ như một điểm kích hoạt khí về mặt phong thủy rất quan trọng. Làm sao để có góc chơi phù hợp về mọi mặt cho trẻ?
Vị trí đúng, bài trí đủ
"Trẻ em như búp trên cành" là đặc trưng hành Mộc của tuổi thơ. Nơi vui chơi nghiêng về vận động và nghe nhìn nên các hành Thủy và Mộc cần xem trọng. Thủy đặc trưng cho thính giác buổi tối, chuyển động giáng (xuống và về phía sau). Còn Mộc đặc thù cho thị giác, buổi sáng, màu xanh lá cây, tương ứng với thăng (lên cao, về phía trái). Do vậy, phương vị để bố trí góc chơi cho trẻ trong nhà nên lùi về phía sau so với mặt trước nhà, có cửa mở ra đón nắng sáng (đông, đông nam) và nên cách âm tốt nhằm giảm thiểu ồn ào, tránh ảnh hưởng đến các không gian khác.
Góc chơi cho con trẻ1
Khoảng sân nhỏ hay cây xanh rất cần thiết để góc chơi của trẻ gần gũi thiên nhiên hơn Ảnh: Song Nguyên
Nếu kết hợp phòng chơi của trẻ với nơi sinh hoạt gia đình như xem phim, nghe nhạc, hát karaoke... thì nên đặt trên các tầng cao, gần phòng ngủ, tiếp xúc với cây cối thiên nhiên (Thủy, Mộc) nhiều hơn.
Có 2 cách bố trí góc chơi cho trẻ để tạo ấn tượng và hài hòa về phong thủy, đó là đồng bộ khí hoặc nổi bật khí. Đồng bộ khí với toàn nhà về hình dáng, chất liệu hoặc tông màu. Ví dụ, nhà chủ yếu dùng tông vàng nhạt thì nơi giải trí nói chung và góc chơi cho trẻ cũng tương tự nhưng tăng cường tính chất chuyên biệt như chất liệu trang âm, có rèm dày hoặc sơn gai, dán giấy, ốp gỗ, trải thảm... Cách làm này hợp nội thất có sẵn, ít tác động phần cứng và dễ dàng thay đổi công năng khi cần. Nổi bật khí thì lấy sự đối lập để nhấn mạnh, tách biệt với các khu sinh hoạt khác. Ví dụ, mặt bằng nhà vuông vức thì góc cho trẻ nhỏ lại làm khối bo tròn, vát góc hay bước lên bước xuống vài bậc tạo khác biệt hoặc toàn nhà lát gạch nhưng khu trẻ chơi thì lát sàn gỗ hay thảm mềm mại (thuộc Mộc) để an toàn, cách âm tốt và ấm cúng hơn.
Góc chơi cho con trẻ2
Vui - lạ - an lành
Đó cũng chính là bộ 3 tiêu chí đảm bảo không gian sống phù hợp với đối tượng trẻ em. Dĩ nhiên, cấu trúc không gian và gia đình không nhà nào giống nhà nào nhưng luôn cần đảm bảo tính linh hoạt, đa năng, tránh cầu kỳ, ngóc ngách phức tạp. Thông thoáng tự nhiên là điều cần lưu tâm nhưng cũng nên dự trù gắn máy điều hòa không khí.
Không phải vô cớ mà trẻ cứ đòi đi siêu thị hay chỗ chơi nào có gắn máy lạnh, nhất là khi tiết trời nóng bức và trẻ vui đùa nhiều dễ mệt mỏi. Đồ đạc cần có kết cấu chắc chắn để tránh nguy hiểm nhưng lại phải cơ động để khi cần có thể mở rộng, thay đổi kích cỡ theo sự phát triển của trẻ. Do đó, tuy gọi là làm chỗ chơi nhưng cũng phải tính toán, cân đối và không ít chăm chút nếu muốn trẻ thích thú và cả nhà cùng vui chơi được chứ không phải là một căn phòng đóng kín gắn máy lạnh rồi... gắn màn hình chơi điện tử.
Cũng không nên nghĩ rằng phòng trẻ em chơi thì phải rực rỡ sắc màu. Có những bé thuộc dạng “già trước tuổi”, hoàn toàn có thể thích thú với tủ sách, những bộ sưu tập, mô hình máy móc lắp ráp hay làm thủ công... Thậm chí bố trí phòng chơi - học nhạc cho trẻ với nhiều loại nhạc cụ, có thể trở thành phòng “văn nghệ” rất thú vị với những gia đình có năng khiếu và truyền thống nghệ thuật, giúp nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật cho trẻ từ ấu thơ.
Nên liên kết khí thông qua hành lang, lối đi, mở cửa… khiến nơi giải trí thêm ngộ nghĩnh, vui vẻ, kết nối tốt với các phần khác trong ngôi nhà và phụ huynh có thể quan sát được trẻ. Việc tạo vùng đệm và trang trí vừa phải cũng giúp nội thất cân bằng tốt hơn. Nếu nhà chật thì cần dùng các màu sáng dịu để thư giãn hơn. Có thể bố trí tạo điểm nhấn như treo phong linh hoặc mặt nạ, nhạc cụ…, vừa tạo nét sinh động, vừa mang tính “đánh dấu” không gian hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.