Gốc của chất lượng

05/01/2013 03:53 GMT+7

Nhiều học sinh, sinh viên bậc trung cấp, cao đẳng tỏ ra hoang mang, lo lắng trước Thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH mới của Bộ GD-ĐT nhằm đảm bảo chất lượng cho loại hình đào tạo này vốn đang có nhiều biến tướng.

Yêu cầu quan trọng nhất của thông tư là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Nhiều ý kiến phản đối là vì cho rằng điều này hạn chế đường học tập của sinh viên, không tạo cơ hội cho họ được học lên cao... Tuy nhiên, có nhìn thấy thực trạng đào tạo liên thông bê bết, chụp giật, chủ yếu nhằm “câu” thí sinh vào trường ở khắp các trường từ lớn đến nhỏ (mà Báo Thanh Niên có rất nhiều bài phản ảnh) mới hiểu tại sao Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định.

Đó là chưa kể, so với nhiều dự thảo trước đó, quy định chính thức cũng đã có hướng mở. Theo đó những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 3 năm thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH chỉ dự thi các môn cơ bản, cơ sở và chuyên ngành do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề.

Sự điều chỉnh chủ yếu nhằm đưa loại hình đào tạo này đi vào nền nếp, có chất lượng. Tránh tình trạng rồi sẽ đến lúc, cũng như hệ tại chức, xã hội không công nhận những người có bằng cấp liên thông, dù là chính quy.

Bản chất của các loại hình đào tạo như tại chức, liên thông... là phục vụ cho các đối tượng vừa làm vừa học, chưa có điều kiện vào thẳng ĐH hoặc học trong thời gian hành chánh. Với những người này, họ cần một lối đi khác với truyền thống để nâng cao tri thức. Thế nhưng nhiều năm qua, thực tế hầu hết sinh viên tại chức lại là học sinh mới tốt nghiệp THPT!

Chương trình liên thông mới thực hiện vài năm đã có nhiều biến tướng, tạo kẽ hở để các trường nhận thí sinh không đủ điểm vào ĐH rồi sau vài năm nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH chính quy. Đối với nhiều trường, đây là nguồn thu rất lớn và là chiêu quảng cáo để thu hút thí sinh bất chấp chất lượng thế nào.

Thế nhưng vẫn thấy đây chưa phải là giải pháp căn cơ. Chất lượng giáo dục không thể chỉ quyết định bằng một kỳ thi tuyển sinh đầu vào. Thế nên nếu chỉ siết chặt khâu này mà lỏng lẻo trong công tác đào tạo, thi cử, quản lý... thì cũng như không. Tình trạng bát nháo trong chương trình liên thông thời gian qua chủ yếu xuất phát từ việc quản lý, đào tạo của các trường. Bởi quy định trước đây cũng có những ràng buộc hết sức rõ ràng, cụ thể về điều kiện được thi liên thông như xếp loại tốt nghiệp, thời gian làm việc... Thế nhưng thực trạng vẫn ngày càng tệ đi.

Ngoài ra, ở quy định mới, sự định lượng về thời gian được phép thi liên thông theo đầu vào của thí sinh chính quy hay thi chuyên môn theo cơ sở giáo dục ĐH cũng chưa đủ thuyết phục. Con số 36 tháng (3 năm) dựa trên cơ sở nào? Nếu như thế tại sao không phải là 1 hay 2 năm? Và liệu có đảm bảo chắc chắn rằng các trường và thí sinh sẽ không lách được quy định? Thực tế cho thấy ở quy định trước, có rất nhiều trường tìm cách nâng xếp loại tốt nghiệp lên mức quy định để thí sinh được thi liên thông ngay. Trường hợp không được, thí sinh cũng có cách chạy giấy chứng nhận đủ thời gian làm việc theo yêu cầu...

Vì thế, sẽ thuyết phục hơn, hợp tình hợp lý hơn nếu những thay đổi, điều chỉnh đi từ cái gốc. Như vậy mới giải quyết được căn cơ của vấn đề.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.