Gốc đá - Truyện ngắn của Trung Trung Đỉnh

31/01/2013 08:30 GMT+7

(TNTS) Tôi cảm thấy hơi lành lạnh phía sau lưng nên tỉnh giấc. Thì ra thằng Liểng ngủ với tôi đêm qua đã biến từ hồi nào. Có tiếng thổi lửa phù phù và sau đó là ánh sáng nhấp nhóa hắt lên phía trên phên liếp.

Mùi thơm của cỏ khô và của củi tươi quyện lại với nhau ấm nồng căn nhà nhỏ ba ngăn tường chình đất dày, kiên cố như một pháo đài, một bên là phòng ngủ của Chi Mủa, ở giữa là bếp, là nơi sinh hoạt chung, còn một bên là phòng ngủ của thằng Liểng.

- Mày đem nước nóng ra cho chú Bình rửa mặt đi.

Chị Mủa nhắc con. Tôi thấy hai cái bóng lao xao trên vách nứa. Tiếng nước rót từ ấm ra chậu thau rổn rảng. Thằng Liểng năm nay đã ngoài hai mươi nhưng vẫn loắt choắt như chú bé con mười sáu, tính nết rất ông cụ non, ít nói, làm việc suốt ngày. Nó bỏ học ở nhà mấy năm rồi, lại lười không chịu lấy vợ, chỉ ham vui vẻ. Hôm qua khi thấy tôi đột ngột xuất hiện, chị Mủa sững người một lúc rồi ngồi ôm gối khóc, bảo hồi chú lên thực tập vẽ vời, tôi còn má hồng, thằng Liểng còn bám gấu váy mẹ, bố nó hiền thế, uống ruợu thổi khèn hay nhất chợ Đồng Văn, cưỡi ngựa hay nhất bản, quý chú như người anh em mà sao ông trời nỡ phạt bị ngã, đá đè chết cả người lẫn ngựa rồi! Tôi đã biết tin này từ lâu nên không đột ngột. Thằng Liểng tháo ba lô trên vai tôi xuống. Tôi thắp hương cho anh Liểu trên cái ban thờ đơn sơ ngày xưa tôi xẻ gỗ sa mu làm cho anh chị theo kiểu của người xuôi. Ban thờ bụi bặm có treo bức chân dung anh, ở dưới ảnh cụ Hồ do tôi vẽ và bộ tiểu thuyết Tàu Tam quốc diễn nghĩa nhàu nát do tôi mang lên, rồi ngồi bên hai mẹ con chị Mủa.

 Gốc đá - Truyện ngắn của Trung Trung Đỉnh
Minh họa: Hồng Thiện Cường

- Em biết tin anh mất từ dưới xuôi, nhưng bận công tác quá không lên được.

- Mày cũng hết tuổi trẻ rồi em ơi - chị Mủa phủi mấy hạt mưa bụi trên mái tóc hoa râm của tôi, nói.

Hơn hai chục năm trước tôi cũng đã ngoài hai mươi. Có lẽ tuổi trẻ được chị tính từ khi tóc xanh đổ lại. Thằng Liểng pha cho tôi bát nước chè gừng rồi nhoắt một cái đã thấy nó phốc lên mình ngựa. Con ngựa nãy giờ ỉu xìu  đứng dưới gốc mai già vì trời rét và vì phải đứng lâu chồn cẳng, nên khi thằng Liểng nhảy lên lưng, nó sướng quá chồm dựng hai vó trước hí mấy tiếng, khói túa ra miệng.

- Chú Bình à, chú chờ con nhá.

Thẳng Liểng cầm cương trên mình ngựa cúi xuống nói. Rồi phóng đi.

- Nó đi gọi bạn tới uống rượu cho chú vui đấy - chị Mủa nói - Ăn mèn nén đi.

Tôi bốc mèn nén ăn. Vị ngọt thơm của ngô thật quyến rũ. Hồi anh Liểu  còn sống, mỗi lần theo anh chị đi chợ Đồng Văn về, thế nào anh Liểu cũng say nhòe. Tôi cũng say nhòe. Con ngựa “xích thố” của anh Liểu to khỏe nhất vùng, được chị Mủa nhờ người khiêng hai anh em tôi vắt lên lưng nó, buộc chằng lại cùng với các vật dụng mua sắm được, rồi cứ thế dắt thằng Liểng lên đường về bản.

Ngựa theo đường cũ, gõ móng đều đều. Non xanh ngằn ngặt tuyền đá cùng đá, đường lên cheo leo vắt vẻo tuyền khe với khe, khắc đi khắc đến. Mưa, con ngựa tự động dừng lại, chị Mủa ôm thằng Liểng đứng sát vỉa đường, che ô cho hai gã say tít, tới khi trời tạnh mưa, con ngựa lại gõ móng lên núi đều đều. Đêm thì đốt đuốc đi theo cái đuôi vật vờ của con ngựa. Cả bản cùng giống nhau, vợ chồng trẻ nhà nào cũng đi như thế, nên không ai cười ai. Có hôm vừa say vừa đi vừa hát, hai anh em tôi khiêng mẹ con chị Mủa cho lên ngồi trên yên “xích thố”, mỗi người hộ tống một bên. Anh Liểu mê Tam quốc diễn nghĩa, mê Quan Công, Trương Phi, Lưu Huyền Đức không kém gì tôi. Anh đã làm tới chức phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã, được học hết lớp bảy hệ mười năm chứ có ít đâu. Lúc vui anh gọi chị Mủa là Cam phu nhân, còn hai anh em tôi là Quan Công, Lưu Bị. Thỉnh thoảng nhớ miền xuôi, tôi đứng trên đỉnh núi đá nhọn phía sau nhà anh, từ gốc sa mu nhìn xuống dòng sông Nho Quế. Con sông uốn lượn ngoằn ngoèo như con rắn bạc trườn xuống xa xanh hun hút. Anh Liểu biết tôi nhớ nhà liền phóng ngựa quanh chân núi gọi ời ời. Tôi hổn hển cắp giá vẽ tụt xuống. “Sao người Mông ở cao thế?”, tôi hỏi anh khi anh bốc tôi lên ngựa. “Sao người Kinh mày ở dưới xuôi xa thế?”, anh hỏi lại và sau đó thúc ngựa phi nước đại trên con đường mòn tới nương ngô, nơi ấy mẹ con chị Mủa đang đốt đống củi thân ngô trong cái chòi nương dựng tạm tựa vào hai hốc đá lớn. Thằng Liểng loay hoay vun đất làm núi. Tôi đặt giá vẽ, vẽ hai mẹ con chị. Trời ạ, sao mà cái chị Mủa này cứ thấy tôi định vẽ là đứng lên bỏ đi. Nhưng tôi cứ vẽ. Anh Liểu lấy rượu ra ngồi bên đống lửa chờ. Tôi buông bút không vẽ nữa vì tự dưng thấy mình bất lực.

Mỗi năm một lần, anh Liểu và chị Mủa cõng đất từ chân núi lên đây rải trong các khe đá để làm nương trồng ngô. Có hôm ngồi uống rượu nói chuyện trồng ngô, tôi cứ thắc mắc sao người Mông không xuống núi có nhiều đất. Anh Liểu lừ lừ nhìn tôi khó chịu, rồi anh trật vai áo cho tôi xem những vết chai. Cả bàn chân anh cũng sần lên một lớp chai dày. Cái cối đá to vật ở đầu hồi là của hồi môn bố mẹ chị cho khi hai anh chị ra ở riêng. Cái cối ấy trải qua không biết bao nhiều đời rồi. Nó đã xay được cả núi ngô chứ chả chơi đâu. Anh Liểu tự hào ra mặt về con “xích thố” và cái cối xay đá của mình. Nhiều hôm anh tập cho tôi cưỡi ngựa, vì anh thích gọi tôi là Quan Vũ, nhưng đúng là tôi không đủ can đảm ngồi trên lưng ngựa một mình, trong khi đó, thằng Liểng chẳng biết sợ là gì. Nó bé loắt choắt mà giọng cười vang núi khi anh cho ngồi sau lưng ngựa cùng với anh và tôi phi nước đại.

- Chị Mủa à, thằng Liểng không được học nữa, em tiếc cho nó quá.

- Ôi dào, học hết cấp hai là giỏi rồi. Cho nó học thêm nữa lại đi mất như con Xíu nhà ông Chiềng đấy.

Chính con Xíu con ông Chiềng đến nhà tôi ở Hà Nội chơi, báo tin anh Liểu mất. Nó bây giờ được cử đi học cao học ở Trung Quốc về ngành nghiên cứu văn hóa phương Đông rồi.

- Chị nghĩ quẩn đấy - tôi nói - Con ông Chiềng bây giờ khá lắm.

- Thôi, tôi nghĩ quẩn làm quẩn cũng được - chị nói rành rẽ - Hồi sắp lấy nhau, anh Liểu cũng được gọi đi học cho thành đại học dưới xuôi, nhưng đi học thì tôi không lấy đâu. Thế mà ở lại đấy.

-  Nhưng thằng Liểng bây giờ khác.

- Chú nói hay nhỉ? Thế bé Thảo nhà chú ra trường rồi sao không cho lên đây? Ngày xưa chả bảo gả con cho nhau, sau cứ lờ tịt đi thế? Sợ xa xôi chứ gì? Sợ mất con chứ gì?

Tôi ngồi thẫn nhìn ra ngoài thung. Sương đặc chất thành từng đống trên các chòm núi đá lô nhô. Lại có những vệt mỏng tang bay quẩn, chợt bắt được luồng gió hút lao vội xuống lòng núi. Tiếng vó ngựa dồn dập. Một tốp ba bốn con, năm sáu con phóng vùn vụt, thoắt ẩn thoắt hiện trên con đường mòn ngày xưa mỗi lần nhớ xuôi, tôi lại đi lẩn thẩn trên đó.

-  Bọn nó đem rượu giấu trên hang dơi có ba năm trời rồi...

Chị nói và đứng nhìn ra phía núi xa, rồi tiếp:

- Rượu quý lắm, người Mông tôi gọi rượu ủ phân dơi là gốc đá đấy.

Chị nắm tay tôi kéo tôi chạy ra gốc mai già, khi bọn trẻ đã rộn ràng xuống ngựa.

- Đây rồi. Có nhiều rượu ngon mời chú uống đây rồi - chị Mủa nói với tôi - Cứ uống đi cho rõ say xong chú muốn vẽ vời gì thì vẽ. Miền cao chúng tôi sướng thế, chú ở mãi mà chả biết gì cả.

T.T.Đ

>> Chuyện đàn bà - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Đãi kiến một bữa" - Truyện ngắn của Quế Hương
>> Gấu nhỏ mất tích - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy
>> Hai người đàn bà - Truyện ngắn của Cấn Vân Khánh
>> Chuyện làng Phù - Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tân
>> Hoa sen Bồ Tát - Chùm truyện ngắn của Thái Bá Tân
>> Bản lĩnh đàn bà - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Ngộ nhận" - Truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan
>> Người ta yêu nhau trong mùa thu..." - Truyện ngắn của Cẩm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.