Ở vị trí này trước đây là lầu Minh Viễn (từ năm 1827 - 1876, để vua Minh Mạng ngắm cảnh, hóng mát), sau đó kiến tạo lại thành lầu Du Cửu (năm 1913, thời vua Duy Tân) và đổi tên thành lầu Kiến Trung (năm 1916, khi vua Khải Định lên ngôi). Năm 1921, vua Khải Định cho xây mới thành điện Kiến Trung (hoàn thành năm 1923) có tham khảo phong cách kiến trúc và trang trí của châu Âu, châu Á. Khi vua Bảo Đại kế vị (năm 1926) đã cho tu sửa theo phong cách Tây phương để làm nơi ở cho cả gia đình. Cũng tại nơi này, năm 1945 vua Bảo Đại đã ra chiếu thoái vị, chấm dứt chế độ phong kiến.
Với diện tích gần 1.000 m2, điện Kiến Trung là hợp thể của kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng Ý và kiến trúc cổ truyền VN, được xây bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói ardoise (đá chẻ). Trang thiết bị hiện đại như đèn điện, cửa sắt, vòi phun nước, nước máy… Công trình được trang trí bằng rất nhiều phù điêu đắp nổi và mảnh gốm sứ nhiều màu theo mô típ truyền thống Huế.
Theo Chuyện xưa, điện Kiến Trung nằm trên trục thần đạo xuyên qua Tử Cấm thành, có ba cầu thang đắp rồng dẫn lên thềm điện, mặt chính trổ 13 cửa hiên, mái có lan can trang trí theo phong cách VN. Khi vua Khải Định qua đời, mô hình điện Kiến Trung làm bằng vàng mã tinh xảo như thật được đốt trong tang lễ. Đáng tiếc, công trình bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh (năm 1947) chỉ còn nền móng và hàng lan can trong khu vực Tử Cấm thành.
Tết năm 2024, sau 5 năm phục dựng với kinh phí hơn 123 tỉ đồng, điện Kiến Trung chính thức mở cửa cho khách tham quan.
Bình luận (0)