Nhà văn Mỹ William Arthur Ward (1921 - 1994) từng để lại câu nói bất hủ về người thầy khi cho rằng thầy tốt là người khơi nguồn cảm hứng cho người học. Trải qua bao năm tháng, đầu tháng 11 này, trong một hội thảo bàn tròn trên trang web www.npr.org của Mỹ, những nhà giáo dục lại bàn về những phẩm chất của một người thầy tốt. Có người khẳng định theo thời gian, định nghĩa có thể thay đổi nhưng hình mẫu về người thầy vẫn giữ nguyên giá trị. Có người cho rằng đã có sự thay đổi rất lớn. Nếu trước đây hình ảnh một người thầy tốt liên quan đến hiệu suất, thành tích của họ trong việc giảng dạy thì nay người ta chú trọng đến quá trình học tập và những điều kiện tạo thuận lợi cho quá trình này đối với người học...
Dù có nhiều quan điểm, cách trình bày, tiếp cận khác nhau nhưng cuối cùng, điều đọng lại là người thầy tốt luôn tạo một dấu ấn đặc biệt với người học, tạo động lực để họ phấn đấu trong cả một chặng đường dài sau này chứ không chỉ ở những năm tháng là học sinh, sinh viên. Đó là người có ảnh hưởng lâu dài với người học. Để làm được điều này, rõ ràng, người thầy phải tạo được nguồn cảm hứng với học trò. Mỗi người thầy có những cách khác nhau để tạo nên nguồn cảm hứng cho người học nhưng phải chăng vẫn có những điểm thống nhất, là tầm vóc về kiến thức, chuẩn mực về đạo đức, nền tảng của tình yêu thương. Đó chính là những giá trị bất biến ở người làm thầy.
Còn đối với người thầy, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, có lẽ món quà có ý nghĩa nhất, giá trị bền vững nhất trong nghiệp làm thầy chính là sự trưởng thành của học trò. Một giáo viên trung học trong bàn tròn nêu trên kể lại rằng trong số những kỷ vật, món quà quý giá mà học trò tặng bà là một bức thư của một học trò gửi từ nhà tù, trong đó viết rằng:
“Cô ơi, không phải lỗi của cô...”.
Nhiên An
Bình luận (0)