Góc nhìn khác từ vụ việc Quế Ngọc Hải và Trần Anh Khoa

28/10/2015 07:36 GMT+7

(TNO) Thông qua vụ việc Quế Ngọc Hải (SLNA) - Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) chỉ tiếp tục chứng minh rằng: giải bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là một nền bóng đá nghiệp dư không hơn không kém. Yếu tố chuyên nghiệp duy nhất là... tiêu tiền chuyên nghiệp.

(TNO) Thông qua vụ việc Quế Ngọc Hải (SLNA) - Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) chỉ tiếp tục chứng minh rằng: giải bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là một nền bóng đá nghiệp dư không hơn không kém. Yếu tố chuyên nghiệp duy nhất là... tiêu tiền chuyên nghiệp.

Nền bóng đá... nặng vì tình?! 
Hơn một tháng trôi qua nhưng vụ Quế Ngọc Hải (SLNA) và Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) vẫn chưa có lối thoát - Ảnh do nhân vật cung cấp
Câu chuyện giữa Quế Ngọc Hải (SLNA) - Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) trong những ngày qua vẫn diễn biến như một mớ bùng nhùng hết sức phức tạp chưa thấy lối thoát cho cả 4 bên. Điều đáng buồn ở đây là: đôi bên vẫn đang kêu gọi cách hành xử “nghĩa tình” trong một tình huống đáng lý ra cần đến những giải pháp duy lý.
 
Ông Bùi Xuân Hòa, giám đốc điều hành SHB.Đà Nẵng liên tiếp trên báo chí phê phán phía SLNA và Ngọc Hải, cho rằng “tiền chỉ là một chuyện, quan trọng là cách hành xử với nhau”. Lập tức, trên diễn đàn dành cho Hội CĐV SLNA phản pháo lại rằng “SLNA từng đồng ý hoãn trận đấu trên sân Vinh do cầu thủ SHB.Đà Nẵng ăn mắm tôm bị trúng thực và phải nhập viện. SLNA từng có nghĩa cử như thế mà giờ phía Đà Nẵng lại dồn ép Hải quá đáng”.
 
Trong bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào, khi xảy ra những chấn thương nặng kiểu này trước hết phải dùng cái lý để phân định cách hành xử đôi bên. Như trường hợp của hậu vệ Luke Shaw của Manchester United, người bị chấn thương gần như cùng thời điểm với Anh Khoa, trong hợp đồng chuyên nghiệp mà anh ký có những điều khoản hết sức rõ ràng và chi tiết trong trường hợp gặp chấn thương. Theo đó, phía sử dụng lao động là Manchester United phải có nghĩa vụ với cầu thủ của mình.
 
Khi chấn thương xảy ra, lập tức bộ phận y tế có mặt làm công tác sơ cứu, Luke Shaw được chuyển thẳng đến bệnh viên để phẫu thuật và đến bây giờ thậm chí đã có thể đi lại mà không cần đến nạng.
 
Trong khi đó ở ta thì các bên cứ mải miết lôi nhau ra khắp các diễn đàn mà tranh cãi xem trách nhiệm thuộc về ai. Cũng may cho Anh Khoa, khi SHB.Đà Nẵng là đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh và số tiền 800 triệu lập tức được chi để Khoa sang Singapore phẫu thuật. Chứ còn nếu chờ đến khi những cuộc tranh cãi “tình nghĩa” ngã ngũ thì có khi cái chân của Khoa cũng hỏng luôn rồi.
 
Đường về... nghiệp dư
 
Đây không phải lần đầu tiên những chấn thương nặng kiểu này xảy ra trên sân cỏ V-League, nếu không muốn nói là nhiều vô kể, đến mức nhiều CĐV đã gọi vui giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt Nam là “Võ League”.
Trần Anh Khoa bị đau chân, còn Quế Ngọc Hải khốn đốn với hậu quả mà chính anh gây ra - Ảnh do nhân vật cung cấp
Điều đáng buồn là sau ngần ấy vụ việc, phía ban tổ chức giải - trước đây là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và nay là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), chẳng hề ra được một bộ qui chế hướng dẫn cách hành xử trong những trường hợp kiểu này, để đôi bên vẫn phải kêu gọi “cái tình” lẫn nhau.
Rõ ràng, cả Quế Ngọc Hải, SLNA, SHB.Đà Nẵng lẫn Anh Khoa cần có sự xuất hiện của những luật sư, những người tư vấn luật trong việc ký kết hợp đồng, xem xét các điều khoản trong hợp đồng lao động để tư vấn đưa ra cách xử lý thích hợp.
 
Người viết đã từng được xem mẫu hợp đồng lao động mà VFF chuyển cho các CLB cũng như cầu thủ, nó dài vẻn vẹn 6 trang A4 với những điều khoản qui định hết sức sơ sài, khác hẳn với những hợp đồng chuyên nghiệp ở nước ngoài thường bao gồm ít nhất 50 trang, qui định cặn kẽ mọi rủi ro hoặc tình huống phát sinh. Thậm chí đến cả việc cầu thủ đó... mặc áo gì đi tập, mua nhà cách nhà HLV trưởng bao xa, hay như hợp đồng của tiền đạo Mario Balotelli ký với Liverpool còn có điều khoản... cấm đốt pháo hoa trong phòng tắm, nhằm tránh một vụ lùm xùm có thể ảnh hưởng đến phong độ của cả đội.
 
Ở đây cũng phải đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của việc tồn tại một Nghiệp đoàn cầu thủ độc lập, được bầu ra bởi chính những cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp trong môi trường bóng đá Việt Nam. Ở các nước khác, đó là chuyện đương nhiên. Tại Tây Ban Nha, nghiệp đoàn từng kêu gọi tất cả cầu thủ đình công vì bị... chậm lương, khiến giải La Liga phải bắt đầu muộn 2 tuần. Trong một môn thể thao vốn đầy rẫy những tranh chấp và mâu thuẫn như bóng đá, nghiệp đoàn cầu thủ chính là nơi bảo vệ và hỗ trợ cầu thủ mỗi khi xảy ra rắc rối. Thậm chí, như ở Úc, nghiệp đoàn cầu thủ còn là nơi giúp những vận động viên giải nghệ tìm một nghề nghiệp khác để ổn định cuộc sống bản thân.
 
Thông qua vụ việc này, người ta một lần nữa thấy được rằng: bóng đá Việt Nam, ở năm thứ 14 mang cái mác “chuyên nghiệp” nhưng bản chất vẫn chỉ là một nền bóng đá nghiệp dư. Nếu có một yếu tố “chuyên nghiệp” ở bóng đá Việt Nam, có chăng chỉ là “tiêu tiền chuyên nghiệp”. Chẳng có nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự nào không biết cách kiếm tiền, nó kiếm tiền từ việc bán tên sân vận động, bán quảng cáo áo đấu, áo tập, ký kết các hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam về bản chất vẫn chỉ đi... xin tiền: trước đây là xin tiền nhà nước, giờ là xin tiền tư nhân.
 
Vậy thì, có khi gỡ bỏ cái mác “chuyên nghiệp”, trở về nghiệp dư như các giải bóng đá phủi lại hay. Vì ít nhất ở giải phủi, người ta thấy được sự cống hiến, vô tư và máu ăn thua thì chắc cũng chẳng lớn đến mức người ta sẵn sàng đạp gãy chân đồng nghiệp để bảo vệ chiến thắng đội nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.