Một khảo sát nhỏ mới đây của người viết với những học sinh lớp 9, lớp 12, và cả lớp 5 tại TP.HCM cho thấy, một trong những nỗi lòng của họ hiện tại, là khi sắp sửa bước vào những kỳ thi quan trọng như chuyển cấp, vào đại học, họ chỉ muốn tự mình nỗ lực để vượt qua bằng chính năng lực của họ. Các em không muốn bố mẹ phải "chạy trường" cho mình.
Những người trẻ chẳng mong được bố mẹ "giúp sức" bằng cách "chạy chọt" để làm đẹp học bạ (nhằm đủ điều kiện thi vào trường "xịn"), "lo lót" để có thể vào trường danh tiếng, "nhờ đỡ" để đạt điểm cao nhằm đậu đại học...
Ngẫm lại, điều họ chẳng mong ấy là hoàn toàn chuẩn xác. Bởi lẽ, những "chạy chọt", "lo lót", "nhờ đỡ" còn có thể hiểu là "chạy trường" sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng tai hại. Mà rất có thể, trong một phút giây nào đó, những người làm bố làm mẹ, hoặc vô tình hay cố ý, hoặc cũng có thể chẳng sáng suốt để nhìn ra.
Ai cũng hiểu rằng, việc "chạy trường" cho con xuất phát từ một dụng ý tốt, là vì thương con. Thế nên mong muốn con được học ở một ngôi trường chất lượng. Nhưng việc "chạy trường" cho con sẽ gởi đến tín hiệu gì cho con? Đó là vô tình khiến cho con tự nhận ra, tự hiểu rằng, bản thân con chưa đủ sự tự tin, không có đủ năng lực cũng chẳng đủ kiến thức để có thể thi tốt nên bố, nên mẹ mới phải... chạy vòng ngoài.
Chính điều này vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của con. Lúc ấy, trong đầu của con sẽ nghĩ rằng dù có tài năng đến mấy, dù có học giỏi thế nào, dù có chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi đến nhường nào thì khi được vào học ở trường "xịn", đậu vào trường đại học danh tiếng, con vẫn nghĩ "mình đậu là nhờ cha mẹ đã "chạy trường" cho mình". Dấu ấn ấy như một vết nhơ, sẽ hằn in xấu trong suốt cả cuộc đời người con.
Cũng có thể, trong tương lai đứa con ấy học rất giỏi, có tài năng thật sự, chạm đến vô số những thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học... Nhưng chỉ vì từng biết bố mẹ đã "chạy trường" cho mình năm lớp 5, năm lớp 9, năm lớp 12... thì cũng sẽ tự hỏi bản thân một cách đầy nghi ngờ: "liệu mình có giỏi thật sự không?", "liệu những gì đạt được của hôm nay là do bản thân mình cố gắng hay vì từng được bố mẹ lót sẵn đường để đi?"...
Lại nhớ đến vụ án gian lận điểm tại kỳ thi THPT cách đây vài năm ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Nhiều ông bố, bà mẹ từng đảm trách quyền cao chức trọng, nhưng vì thương con và trót "chạy trường" cho con sau đó đã phải đứng trước vành móng ngựa với đủ tội danh.
Còn con của họ, dù đã được nâng điểm sau những cuộc ngã giá tiền tỉ, dù đã có "vé" vào các trường đại học tốp đầu... Nhưng rồi sau đó, khi sự thật bị phát giác, khi thông tin vụ án làm dậy sóng dư luận xã hội, ước mơ vào đại học đã phải bị trì hoãn cùng nỗi đắng cay ê chề.
Lòng tự trọng luôn song hành với sự tồn tại của mỗi con người trong cuộc sống này. Ai cũng có lòng tự trọng. Bố mẹ có lòng tự trọng. Con cái cũng có lòng tự trọng. Người lớn có lòng tự trọng. Con trẻ cũng có lòng tự trọng. Chính lòng tự trọng đã giúp mỗi người nỗ lực, phấn đấu, vượt qua những thất bại, hình thành nhân cách. Nhưng, không ít cha mẹ đã đập vỡ lòng tự trọng của con cái chính bằng việc "chạy trường".
Như đã nói ban đầu, đành rằng "chạy trường" bắt nguồn từ việc thương con. Nhưng thương con bằng việc "chạy trường" thì khác nào hại con? Nghĩ rằng mình giúp con nhưng thật ra là hại cả cuộc đời của con sau này.
Vậy nên, thay vì "chạy trường" cho con, thì bố mẹ hãy dạy cho con có sự tự tin. Hãy dạy cho con cách để chinh phục những ước mơ, đạt được những điều mà con muốn. Hãy bên cạnh con để động viên con sau những lần vấp váp thất bại... Đó mới chính là là thương con. Đó mới là cách dạy con chuẩn xác.
Không vào trường top, trường "xịn" thì cũng chẳng sao. Cuộc đời này đâu có lệ thuộc vào một tấm bằng hay lệ thuộc ngôi trường nào? Đâu có chắc những học sinh, sinh viên giỏi ở trường "xịn", trường top, trường nổi tiếng sau này sẽ thành công trong cuộc đời hơn những sinh viên, học sinh ở những trường khác?
Bình luận (0)