Học bạ toàn 10 mới được thi lớp 6 trường 'Ams' và nỗi lo 'chạy học bạ'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/05/2023 18:53 GMT+7

"Tội các con quá" là bình luận của nhiều bạn đọc dưới bài viết Điểm học bạ "toàn 10'' mới được dự thi vào lớp 6 Trường Hà Nội - Amsterdam trên Báo Thanh Niên mới đây. Nhiều ý kiến khác tỏ ra lo ngại điều kiện tuyển sinh như vậy sẽ không thể ngăn chặn được tình trạng "làm đẹp học bạ" mà ngành giáo dục bị chất vấn lâu nay.

Tuyển sinh yêu cầu học bạ "đẹp" đến đâu cũng có?

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh phải đạt 167 điểm trên tổng 17 bài kiểm tra cuối năm học, đồng nghĩa với việc chỉ được có tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10, mới được đăng ký dự thi.

Học bạ toàn 10 mới được thi lớp 6 trường 'Ams' và nỗi lo 'chạy học bạ'   - Ảnh 1.

Kết quả kiểm tra cuối năm toàn điểm 10 mới đủ điều kiện đăng ký dự thi vào lớp 6 Trường Hà Nội - Amsterdam

CHỤP MÀN HÌNH

Thực ra, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã áp dụng điều kiện đăng ký dự thi vào lớp 6 với học bạ "toàn 10" từ nhiều năm nay. Nghe học bạ toàn 10 thì ai cũng nghĩ sẽ hiếm có học sinh đạt đủ yêu cầu ấy vì đi học mà toàn điểm 10 tất cả các môn thì chỉ có "siêu nhân"!

Thế nhưng, thực tế không phải như vậy. Năm 2022, theo danh sách nhà trường công bố, trong hơn 1.000 thí sinh đủ điều kiện dự thi đều có bảng điểm toàn điểm 10, rất hiếm hoi mới thấy điểm 9 xuất hiện trong các phiếu đăng ký dự thi.

Lâu nay, việc tuyển sinh vào lớp 6 của trường này được áp dụng theo cơ chế đặc thù, dù không phải là hệ chuyên vì theo luật Giáo dục không có trường chuyên lớp chọn từ cấp THCS trở xuống. Tuy nhiên, khối THCS nằm trong Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tồn tại hàng chục năm nay nên phụ huynh cũng mặc định đó là "trường chuyên", năm nào việc tuyển sinh cũng vô cùng căng thẳng.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, nếu nhận tất cả hồ sơ đăng ký dự thi thì "tỷ lệ chọi" sẽ vô cùng căng thẳng do việc tuyển sinh vào các trường đặc thù không phân tuyến tuyển sinh như vào lớp 6 các trường THCS công lập bình thường.

Do vậy, việc đưa ra điều kiện hồ sơ dự tuyển để lọc bớt thí sinh không có đủ năng lực ngay từ vòng loại, tránh mất thời gian cho thí sinh, phụ huynh; mặt khác giảm gánh nặng, chi phí cho công tác tổ chức thi vì chỉ tiêu của lớp 6 của các trường này thường hạn chế.

Dù vòng loại hồ sơ gắt gao như vậy nhưng con số đủ điều kiện dự tuyển vào các trường chất lượng cao năm nào cũng rất đông, vượt nhiều lần so với chỉ tiêu. Năm 2022, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có khoảng 1.200 thí sinh đủ điều kiện học bạ "toàn 10" để vượt qua vòng xét tuyển, tiếp tục vào vòng dự thi đánh giá năng lực để tuyển 200 chỉ tiêu.

Trên địa bàn Hà Nội, còn có một số trường THCS chất lượng cao khác như THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi (Hà Đông), THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm… cũng áp dụng hình thức tuyển sinh căng thẳng tương tự.

Nhiều phụ huynh thừa nhận, để đăng ký dự thi vào các trường này thì bố mẹ phải có "chiến lược" ngay từ khi con vào lớp 1, làm thế nào để học bạ "đẹp", cố gắng không có điểm 9 ở kỳ kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học.

Cử tri bức xúc về tình trạng "chạy" học bạ

Gần đây, một trong những nội dung mà nhiều cử tri bức xúc gửi chất vấn, kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên quan đến việc xét tuyển học bạ, dẫn tới tình trạng "làm đẹp học bạ", chạy học bạ…

Ví dụ, cử tri TP.HCM đề nghị: "Ngành giáo dục cần đi vào thực chất, chống hình thức, chấm dứt tình trạng "bệnh thành tích", chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ làm giảm chất lượng giáo dục".

Tháng 3.2023, trả lời bằng văn bản về kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục "bệnh thành tích" trong giáo dục.

Tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông; qua đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, hướng vào việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực; đổi mới cách đánh giá.

Thực hiện chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động GD-ĐT, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.

Cũng liên quan đến lo lắng do xét tuyển bằng học bạ dẫn tới tình trạng "làm đẹp" học bạ bằng mọi giá, văn bản trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng: "Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.