Hàng vạn người hành hương về Lễ hội đền Hùng sáng qua (12.4) - ảnh: L.Q.P |
Ngay trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng năm nay, VN đã chính thức gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tín ngưỡng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây chính là dịp để mọi người VN bồi đắp cho cội rễ văn hóa của mình, và tìm thấy trong đó sức mạnh đi vào tương lai. Muốn vậy, phải nhận thức đúng giá trị của truyền thống này, cũng như tìm ra phương thức duy trì và phát huy nó trong điều kiện một quốc gia đa dân tộc đang trên con đường hội nhập toàn cầu.
Theo GS Trần Quốc Vượng, vua Hùng là trưởng bộ tộc (còn được gọi là pò khun) trên núi Hy Cương ở vùng Phong Châu (khu vực đền Hùng hiện nay). Núi Hy Cương được cho là ngọn núi thiêng vì nằm ở chóp tam giác của châu thổ sông Hồng, quy tụ núi sông. Bộ tộc đó được coi là khởi hình của nhà nước phong kiến ngày xưa. TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) cũng cho rằng, từ thời xa xưa, tín ngưỡng thờ vua Hùng là tín ngưỡng thờ các vị sơn thần (thần núi). Các bài vị cổ xưa của Hùng Vương là bột ngột cao sơn, những vị được ghi tên là các tên núi.
Sử sách trước thời Lê ít nhắc đến Hùng Vương và thời đại các vua Hùng. Theo GS Trần Quốc Vượng trong Văn hóa cổ truyền VN (lịch, tết, tử vi và phong thủy) (Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, 2009): trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái được biên soạn trong các triều đại Lý - Trần (và cả đầu Hậu Lê), tập hợp lại các câu truyện truyền thuyết dựa vào những chất liệu đền miếu, huyền thoại, huyền tích còn đọng lại trong tâm thức dân tộc và trong dân gian từ trước thời Bắc thuộc, qua thời Bắc thuộc và chống thời Bắc thuộc, có “những ký ức rất lờ mờ về Hùng Vương”. Trong Đại Việt sử lược được biên soạn vào thời Trần, “thời Hùng chỉ được nhắc đến qua quít”.
Đến năm 1435, khi biên soạn Dư địa chí, Nguyễn Trãi mới đưa Kinh Dương Vương, Lạc Long, Hùng Vương vào tòa đền chính sử VN, coi Kinh Dương Vương là Tổ Bách Việt và Hùng Vương tiếp nối ngôi vua, dựng nước, gọi là Văn Lang. Cách nhìn nhận đó được tiếp nối và phát triển bởi Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, đồng tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư (1475) - văn phẩm lịch sử chín muồi thời Hồng Đức. GS Trần Quốc Vượng kết luận: hiện thực lịch sử thời Hùng, việc coi vua Hùng là vua Tổ dựng nước là một sự tự ý thức của triều Lê.
Đến giai đoạn hình thành quốc gia phong kiến từ thế kỷ X trở đi, đặc biệt là từ thời Lê, ông cha ta đã sáng tạo nên hình tượng, biểu tượng quốc tổ Hùng Vương (vốn mang yếu tố truyền thuyết đậm đặc). Vì sao lại đặc biệt từ thời Lê? Giải thích điều này, GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia) cho rằng, đây là thời kỳ ông cha đã giành được độc lập và xây dựng nhà nước Đại Việt, nhu cầu củng cố nhà nước là rất mạnh mẽ, nhất là khi đất nước luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Quốc tổ Hùng Vương là biểu tượng quy tụ cội nguồn dân tộc, tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng quốc tổ là sự phóng chiếu từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gia tộc của người VN, nhà có tổ tiên, nước có quốc tổ.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, biểu tượng Hùng Vương là biểu tượng siêu giai cấp, mọi chế độ xã hội đều nhìn thấy ở đó mẫu hình quy tụ cội nguồn dân tộc, đây là sức mạnh đã giúp chúng ta vượt qua nhiều biến cố trong lịch sử như những lần mất nước hay chống giặc ngoại xâm. Tại đền Hùng năm 1954 (thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược), Bác Hồ đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đánh giá là sự sáng tạo độc đáo của dân tộc VN. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới xây dựng biểu tượng quốc tổ, thực sự quy tụ dân tộc như chúng ta. Thờ cúng Hùng Vương khẳng định dân ta có chung một cội nguồn, từ đó tạo thành động lực để yêu thương, gắn kết cộng đồng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tâm thức của người VN từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Minh Ngọc - Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)