Mùi ngò rí trên đảo quốc sư tử
Chủ nhân cái "góc" nói trên - tên tiếng Anh đầy đủ: "Vietnam Corner" - là chị Nguyễn Thị Ý Thu, 47 tuổi, xuất thân từ vùng sông nước miền Tây. Từng sống ở nhiều nơi trên thế giới, từng thưởng thức rất nhiều món ăn khắp ba miền đất nước, từng "lăn lộn" với nghề bếp núc, nhà hàng, chị Thu phục vụ thực khách đến với Vietnam Corner những món ăn rất Việt Nam, nhưng cũng rất Tây và rất... Singapore.
Quán của chị hiện nổi tiếng với món "bánh mì Ý Thu". Vỏ bánh do chính chị lên công thức và nhờ một hiệu bánh ngọt làm ra. Ổ bánh không lớn, ruột không đặc, bề mặt phủ một màng bơ mỏng, không bị chai cứng trong 3 ngày, cũng không bị xẹp đi khi nguội. Thành phần nhân bánh hoàn toàn giống ở Việt Nam và do chính tay chị làm ra: cũng bơ, pa-tê, chả lụa, xá xíu, dăm bông, dưa leo xắt mỏng, một cọng hành lá, mấy sợi ớt tươi, đôi cọng ngò rí, vài hạt tiêu đen... Khách gọi bánh mì, chị cho ngay một ổ vào lò vi sóng một lúc cho nóng, lấy ra, xẻ dọc, rồi thoăn thoắt cho nguyên liệu vào, khép lại, cắt xéo làm đôi, đặt vào một cái đĩa. Ăn bánh nóng, mùi bơ thơm thơm, vỏ bánh rin rít, nhân bánh đậm đà. Riêng cái mùi ngò rí thì không tìm đâu ra được ở đảo quốc sư tử.
Nhiều người Singapore đã nhận ra sự khác biệt từ cọng ngò rí, cái thứ mà chị Thu phải cất công nhờ người mang từ Việt Nam sang và bảo quản rất kỹ lưỡng. "Cứ 2 kg ngò rí, chị phải chi 30 USD cho người mang giúp, rồi mất 3 tiếng đồng hồ cho người giúp việc ra tận sân bay nhận. Vị chi thù lao, công cán mất đứt 50 USD. Có điều xài được lâu lắm!", chị Thu tự hào nói về món gia vị độc đáo này. Cọng ngò rí cũng làm cho tô bánh canh cua điểm tâm sáng của chị không lẫn vào đâu được.
Món cơm tấm cũng được rất nhiều khách chọn ăn. Không chỉ phục vụ tại Việt Nam Corner, món này còn được nhiều hội nhóm đặt hàng cho bữa trưa của họ. Những lúc ấy, chị Thu lại dời cái bếp nhà mình đi phục vụ cơm nóng cho khách hàng. Không chỉ thế, quán chị còn phục vụ hàng chục món ăn khác từ ăn chơi đến ăn chính như gỏi cuốn, chả giò, gỏi xoài, bún chả giò, bún gà nướng, bò kho, phở bò tái, chín các kiểu... Tráng miệng có chè khoai môn, chè hạt lựu xanh đỏ.
Buổi sáng, chị bán điểm tâm với giá chỉ 2 SGD (25.000 đồng), hôm thì bánh canh cua, bún nước kèo (lèo) của Việt Nam, hôm thì món bún Mee Siam của người Thái, hôm cháo gà hay đồ ăn Tây. "Singapore đắt đỏ mà bán được tô bún giá 2 SGD là cả một bài toán khó. Phải tính sao cho còn có lời mà trông tô bún vẫn hấp dẫn", chị Thu phân trần về sự vất vả của người muốn quảng bá thức ăn Việt với giá thấp nhất để người bình dân có thể kham nổi.
Chuẩn bị một ổ "bánh mì Ý Thu" - Ảnh: Thục Minh
Góc tụ họp của người Việt
Ở Singapore, đã có rất nhiều người Việt mở nhà hàng và thất bại. Lý do đầu tiên là tiền thuê mặt bằng quá đắt, trong khi phần đông người Singapore không hứng thú mấy với đồ ăn Việt Nam. Họ thường ăn đồ Tàu đầy dầu mỡ với giá khá mềm ở những khu ăn uống bình dân. Một số người muốn thưởng thức những món ăn lành mạnh thì tìm đến nhà hàng Việt Nam, nhưng khẩu vị và tập quán cũng là một vấn đề. Bởi vậy, đầu bếp phải hết sức tinh tế điều chỉnh món ăn của mình cho phù hợp. Tô phở bò tuyệt đối không có nước béo, bột ngọt nêm rất ít, rau thơm chỉ chút chút, giá cũng ít thôi, bánh phở thì hơi bở. Có được khả năng "tự điều chỉnh" như vậy có lẽ nhờ chị sống lâu và gần gũi với người địa phương. Rời Việt Nam đến Mỹ khi còn bé, rồi kết hôn với một người Singapore, chị chuyển về đảo quốc sư tử từ năm 1991 khi mẹ chồng đau ốm. Từ đó đến nay chị sống ở đây, song cũng qua lại Mỹ và Việt Nam thường xuyên.
Cái duyên "ăn uống" bắt đầu khi chị sang Mỹ. Vì thấy người khác nấu ăn không ngon nên chị phải tự vào bếp, rồi mở cửa hiệu bán Submarine Sandwich, một loại bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ. Hồi nhỏ, chị thường theo bà ngoại đi nấu tiệc cưới cho khắp thôn trên xóm dưới. Dù không nhúng tay vào nấu nướng nhưng chị đã được nếm đủ thứ món ngon vật lạ ở quê nhà. Đến khi sang
Singapore thì cái nghề nấu nướng xem ra đã trở thành cái "nghiệp". Đầu tiên chị đi làm cho các nhà hàng thức ăn nhanh Swensen's, Prima; rồi làm ở các khách sạn Hyatt, Marriott. Đến năm 2001, chị mở tiệm bán chả giò và gỏi cuốn tại Takashimaya, trung tâm mua sắm sang trọng ở phố Orchard. Chị bán rất đắt hàng. Nhưng về sau, giá thuê mặt bằng lên cao quá, lại bị yêu cầu dời vào khu ăn uống tập trung, chị đóng cửa tiệm và về mở Vietnam Corner.
Cái "góc" nằm ngoài vùng trung tâm của Singapore, ngay tầng trệt của khối nhà (block) số 117 trên đại lộ Commonwealth Drive. Từ trung tâm thành phố, người ta lên tàu điện ngầm qua 3-4 bến, xuống ga Commonwealth rồi đi bộ chừng 5-7 phút dọc theo đường tàu thì đã thấy cái "góc" này rồi. Từ ngày có cái "góc", khu phố bình dân ở đây trở nên nhộn nhịp hẳn. Chập tối, người già tụ tập mở nhạc Tây, học nhảy ở khoảnh sân bên cạnh. Nhảy chán, các ông bà vào "góc" thưởng thức miếng bánh mì, chọc ghẹo bà chủ quán, rồi khen thức ăn Việt Nam. "Chỉ cần nghe người ta khen vậy là chị thấy sung sướng không gì bằng", chị Thu chia sẻ. Chị từng được truyền hình Singapore quay phim và mời giới thiệu kỹ thuật làm bánh tét, bánh chưng cùng nhiều món ăn khác.
Vietnam Corner mới mở chưa lâu, nên mọi thứ còn chưa được hoàn chỉnh. Chị Thu dự định sẽ sắm sửa trang hoàng, nới rộng và tăng thêm số món ăn để chính thức khai trương vào dịp 2.9, Quốc khánh của Việt Nam. "Chị mong muốn cái góc này sẽ trở thành một nơi tụ họp của người Việt mình", chị nói. Hằng ngày, trong số khoảng 200 khách đến quán, có khoảng 50 là người Việt, gồm sinh viên học ở các trường gần đó và công viên chức đang đi làm ở Singapore.
Thục Minh (VP Singapore)
Bình luận (0)