Gỏi cổ hũ dừa và những ngày thơ

05/03/2021 20:35 GMT+7

Hương dừa khẽ thoảng thơm ngầy ngậy. Từng lát cổ hũ dừa sần sật, xôm xốp, vị ngọt và một tí béo đọng lại khi nhai kỹ…

Cây dừa không hề xa lạ với chúng tôi, những đứa trẻ nông thôn quanh năm nương vườn, rào giậu. Dừa quê mọc vô tư trong vườn, dọc bờ sông, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Nói đến dừa thì có vô số những món ăn gắn liền với tuổi thơ đầu trần chân đất: bánh tráng dừa, dừa già ăn với đường tán, mứt dừa, xôi dừa, dừa sấy… và đặc biệt là được uống từng ngụm nước dừa ngọt lành. Duy chỉ một món được xếp hạng... xa xỉ đối với chúng tôi, đó là cổ hũ dừa. Vì sao ư? Đơn giản vì cổ hũ dừa là phần đặc biệt, phần non nhất của cây dừa, nó được xem như là trái tim mang đến sự sống của cây dừa.
Làng tôi nhiều dừa là thế nhưng chưa thấy ai chặt dừa chỉ để lấy cổ hũ chế biến món ăn. Đám con nít chúng tôi chỉ được thỏa thuê nỗi mong chờ cổ hũ dừa khi cây dừa bị sâu hay đã già và quá cao, nguy hiểm cho người đi đường, hoặc khi làm đường, làm sân, bất đắc dĩ người ta mới phải hạ xuống. Những cây dừa càng to, nhiều tuổi thì cổ hũ dừa càng ngọt. Cổ hũ dừa rất giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và có nhiều khoáng chất như chất sắt, magiê, kẽm... Đây cũng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe vì không chứa cholesterol, chất béo bão hòa.
Tôi còn nhớ như in những mùa mưa bão tuổi thơ, thân dừa bị gió bão “cưa” gãy ngang. Cha tỉ mỉ gọt bỏ hết lớp thân cứng bên ngoài, lúc này cây dừa chỉ còn một lớp trắng nõn, non và ngọt bên trong, đó chính là cổ hũ dừa. Trước khi chế biến thành món ăn, mẹ thường lấy cổ hũ dừa đã cắt khúc hoặc thái lát mỏng ngâm với nước đá có hòa nước cốt chanh tươi. Cha bảo, làm như thế, cổ hũ dừa sẽ giữ được độ giòn và màu trắng khi làm bất cứ món gì dù nấu canh chua, kho tương hay xào tép.
Tôi mê nhất món gỏi cổ hũ dừa của mẹ. Đĩa gỏi cổ hũ dừa của mẹ tuy chỉ từ nguyên liệu vườn nhà nhưng như một bức tranh sinh động đầy màu sắc và hương vị: trắng sữa của cổ hũ dừa, đỏ gạch của đu đủ, xanh mướt của rau thơm và điểm trên là vàng rộm của đậu phộng rang giã dập. Mẹ phi hành thơm đến “phổng” cả mũi, pha nước mắm chua ngọt thật đậm với tỏi, ớt, chanh, bóp cho thật thấm với cổ hũ dừa đã cắt lát mỏng. Thế là có ngay đĩa gỏi cổ hũ dừa độc đáo, chẳng “đụng hàng” với món gỏi nào. Gắp một đũa gỏi mới thấy cái thú vị của gỏi cổ hũ dừa. Hương dừa khẽ thoảng thơm ngầy ngậy. Từng lát cổ hũ dừa sần sật, xôm xốp, vị ngọt và một tí béo đọng lại khi nhai kỹ.
Ngày nay, kinh tế phát triển tiện lợi trăm bề, cổ hũ dừa biến thành sản vật ngon, có sẵn trong các siêu thị… Thậm chí chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay, chứ không hiếm hoi như lúc trước. Không hiếm, nhưng ít có dịp gặp, nên cha mẹ tôi luôn nâng niu mỗi khi có được cổ hũ dừa như tìm thấy một thức ngon thật quý. Cha đã chỉ tôi cách lấy cổ hũ dừa vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Và tự tay mẹ dạy tôi cách làm món ăn từ cổ hũ dừa, loại cây gắn bó với thời thơ ấu. Đối với tôi, gỏi cổ hũ dừa không đơn thuần là một món ăn khoái khẩu, nó còn là ký ức tuổi thơ, hồn nhiên, ấm áp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.