Gọi con công an về bán lẩu tôm trong hẻm

14/07/2020 21:05 GMT+7

Cặp vợ chồng Sài Gòn đã gọi con xuất ngũ ngành công an về truyền nghề nối nghiệp quán lẩu tôm không biển hiệu nhưng luôn đắt khách suốt 28 năm qua trong hẻm nhỏ.

Ông Trần Thọ Phi Hổ (55 tuổi) cho biết số năm hoạt động của quán cũng chính là số tuổi của con trai ông. Ngày trước, em trai ông làm trong vũ trường, 2 – 3 giờ sáng tan làm, nhân viên phục vụ hay rủ nhau đi ăn nên gia đình ông có ý tưởng mở quán. Sẵn miếng đất trống, phía trước là rào tre, đường vào hoang sơ, lầy lội nhưng nhờ mối quan hệ, mỗi đêm dàn nhân viên vũ trường đều ghé quán ủng hộ.
Người này giới thiệu người kia, lượng khách khá dần lên, giờ mở bán cũng thay đổi. Ai cũng khuyên ông nên đặt một cái tên cho quán, nghĩ hoài không ra, thấy xung quanh nhiều tre nên ông đặt luôn là “Quán Tre lẩu tôm”.

Ông Trần Thọ Phi Hổ (55 tuổi) cho biết quán lẩu tôm trong hẻm đã mở được gần 30 năm

Lê Nam

Ông Hổ cười khúc khích kể: “Ngày trước tôi còn chưa đổ hết sân xi măng, khách bước vào quán là phải leo qua miếng gỗ, mưa nước ngập dâng lên quá mắt cá chân, cá lội ở dưới luôn mà khách vẫn ngồi ăn. Nghĩ lại tôi thấy vui lắm, vì được khách thương ủng hộ”.
Sau này, ông nghỉ việc ở công ty cơ khí để về chăm lo từng chút một cho quán, mỗi ngày tu sửa một chút, quán ngày càng khang trang hơn.
Từ ngày mở quán đến nay, quán đã qua nhiều đời đầu bếp nhưng ông Hổ nhận xét vợ ông là người góp công sức nhiều nhất nên quán mới duy trì được đến bây giờ. Ông kể, ngày mới đứng bếp, bà Nguyễn Thị Kim Dung (54 tuổi, vợ ông Hổ) nấu chưa được đậm đà, khách ăn tới góp ý thường xuyên, bà đều mừng rỡ tiếp thu. Mỗi lúc cặm cụi trong bếp, bà đặt cả tâm tình và tấm lòng của mình vào chăm chút cho từng món ăn.
Dần dần mỗi món ăn ở quán có hương vị riêng, không thể nhầm lẫn vào đâu được. “Vợ tôi dốc tâm sức lắm, nhiều ngày khách đông, 11 giờ đêm buông đũa bếp ra là vô phòng nằm vật đó vì bả vai, cánh tay mỏi rã rời. Đôi lúc bị bệnh, bác sĩ yêu cầu nằm viện, vợ tôi cũng xin thuốc giảm đau uống để về đứng bếp tiếp”, ông Hổ nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, 54 tuổi - vợ ông Phi Hổ là người góp công sức nhiều nhất cho quán

Lê Nam

Suốt cuộc nói chuyện, ông Hổ luôn khẳng định, quán lẩu tôm của ông như một quán ăn gia đình, không phải quán nhậu. Không khí ở quán, mối quan hệ giữa chủ - nhân viên - thực khách luôn giống như người trong một nhà. 
Với gia đình ông, quán ăn không chỉ là nơi kinh doanh, mà đó là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Là nơi ông có thể mời những người bà con Việt kiều ghé ăn mỗi lần về thăm quê hương.
Ông bộc bạch: “Công an là ngành cao quý, nhà tôi rất tự hào khi con trai khoác lên mình bộ cảnh phục. Nhưng để duy trì được quán ăn và tâm huyết của cả gia đình nên con tôi cũng chấp nhận theo nghề gia đình sau khi đã xuất ngũ. Tới giờ, vợ tôi đã truyền nghề cho con được khoảng 60%, tới năm sau là vợ chồng tôi có thể yên tâm giao cho con mà đi du lịch rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.