Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Quyết liệt nhưng không vội vã

26/08/2022 06:24 GMT+7

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, xung quanh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm mà dư luận đang quan tâm.

  • Chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế

* Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh hiện nay?

- Thế giới đang đối mặt với nguy cơ bùng phát lạm phát, áp lực lạm phát cao, đến 8 - 9% là chưa từng có trong rất nhiều thập niên ở nhiều nước. Giá các mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, do vậy, các nước đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với tình trạng này.

Gói hỗ trợ lãi suất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành để nhanh chóng xử lý vướng mắc trong quá trình thực thi

Ngọc Thắng

Đối với VN, muốn tăng trưởng thì cần một nền tảng tốt nhưng chúng ta luôn phải đối mặt với một thách thức lớn vì hệ thống tài chính của chúng ta chưa thực sự phát triển đồng bộ. Cung cấp vốn trong nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng. Vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, lành mạnh hóa hệ thống lại vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế là một bài toán hóc búa đặt ra cho Thống đốc NHNN và hệ thống ngân hàng hiện nay.

Nhìn trên cục diện đó, tôi đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ vừa linh hoạt vừa thận trọng và hiệu quả của NHNN thời gian qua. Lạm phát giữ được ở mức tương đối thấp, có thể đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là hơn 4%; biến động tỷ giá ổn định, nhiều dự đoán cho rằng năm nay mất giá của tiền VN chỉ khoảng 3%; sức chống chịu của hệ thống ngân hàng khả quan dù áp lực nợ xấu do dịch bệnh vẫn còn tăng.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Minh chứng rõ nhất là cùng với đà phục hồi thì cung tín dụng vẫn tăng mạnh đến giữa tháng 8.2022 đạt 9,6%. Nghĩa là VN đã lựa chọn vừa ổn định và vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cẩn trọng trong việc tăng tín dụng

* Phục hồi kinh tế mà mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm 2022, chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với năm 2021 là năm cả nước tập trung phòng chống dịch có thỏa đáng không thưa ông?

- Đúng là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần được bổ sung nguồn lực để bắt nhịp với đà hồi phục của nền kinh tế, để phát triển tốt hơn sau này. Nhưng tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2022 không phải là mức thấp so với các nước khác. Mục tiêu này cũng cân nhắc kỹ vì 4 lý do.

Thứ nhất, tỷ lệ tín dụng/GDP là quá cao, nếu mỗi năm tăng thêm thì có thể ảnh hưởng tới ổn định, đe dọa sự lành mạnh của ngân hàng. Thứ 2 tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tăng thêm nữa thì việc đáp ứng tiêu chuẩn thông lệ quốc tế như Basel II và III không thực hiện được. Thứ 3, tỷ lệ tiền gửi của người dân, xã hội ngày càng tăng cao, chỉ trong nửa đầu năm 2022, tiền dân gửi ròng vào ngân hàng lên đến 320.000 tỉ đồng, nhưng hiện nay tỷ lệ giữa tiền cho vay và tiền gửi đã gần tương đương. Nói cách khác thì ngân hàng huy động được 10 đồng đã cho vay được hơn 9 đồng. Và cuối cùng là sau 2 năm đại dịch thì nợ xấu đã tăng lên nên cần cẩn trọng trong việc tăng tín dụng. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng bên cạnh nỗ lực điều hành đảm bảo ổn định vĩ mô, giảm áp lực lạm phát thì trong chừng mực nào đó NHNN vẫn cần hỗ trợ tăng trưởng.

* Liệu có phải vì NHNN giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã làm ảnh hưởng đến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%?

- Chưa có cơ sở để khẳng định việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của NHNN ảnh hưởng tới việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% vì như tôi đã nói ở trên, mức tăng trưởng 14% đã được nhà điều hành cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, tôi cho rằng chương trình phục hồi kinh tế đã được triển khai khá quyết liệt. Lần đầu tiên sự phối hợp của Quốc hội, Chính phủ, sau đó các bộ ngành vào cuộc tương đối nhanh, với nguồn lực lớn, chương trình tổng thể, áp dụng trong thời gian dài và nhiều đối tượng trên cả 4 lĩnh vực: y tế, lao động, sản xuất kinh doanh, xã hội, gia đình và hạ tầng.

Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, nguồn vốn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (khoảng 16.035 tỉ đồng) và tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 (khoảng 23.965 tỉ đồng), nhưng sau 3 tháng triển khai thì doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là gần 4.100 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng chỉ đạt khoảng 13,5 tỉ đồng. Thế nên, có nhiều ý kiến kêu khó, vướng mắc nhưng chúng ta cần hiểu rằng, khi đề xuất một phương án chính sách thì điều quan trọng nhất là tác động đúng - trúng - kịp thời - hiệu quả chứ không phải tiêu cho hết.

Các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn

* Vậy chính sách triển khai chậm, theo ông nguyên nhân từ đâu?

- Có nhiều nguyên nhân. Đây là một chính sách bao quát rộng, liên quan đến nhiều bên, mỗi bên sự nhìn nhận về rủi ro, nhìn nhận về quy trình… có thể cũng khác nhau, đằng sau là trách nhiệm liên đới cũng khác nhau giữa nhà nước và doanh nghiệp nên đi vào thực tế sẽ nhiều vướng mắc. Cái khó nữa là những chương trình hỗ trợ dù khác nhau về quy mô và cách thức nhưng sự minh bạch, quy trình trách nhiệm mà không tốt thì để lại nhiều hậu quả khó xử lý. Thực tế, một số ngân hàng hỗ trợ lãi suất từ thời kỳ năm 2009 - 2010, nhưng đến giờ vẫn chưa quyết toán xong.

Mặt khác, VN không phải là nước có đủ nguồn lực để hỗ trợ tất cả nên cần ưu tiên và chọn lựa. Mà đã là đặt lên bàn cân thì tiêu chí không hề đơn giản. Ví dụ như khách hàng kinh doanh ngành thủy sản, mua lô cá nguyên liệu vừa để sản xuất, chế biến (mã ngành C, được hỗ trợ lãi suất), vừa để kinh doanh thương mại (mã ngành G, không được hỗ trợ lãi suất). Trường hợp này ngân hàng không thể xác định có được hỗ trợ lãi suất hay không, hoặc hỗ trợ đến phạm vi nào do không có cơ sở thẩm định (chứng từ sử dụng vốn vay chỉ là mua cá, không bóc tách theo từng mục đích). Hay một khách hàng hoạt động đa ngành, vay để trả lương, chi phí điện, nước, chi phí thường xuyên khác nhưng không xác định cụ thể được bao nhiêu chi phí chỉ dành để phục vụ ngành được hỗ trợ, bao nhiêu chi phí không phục vụ ngành được hỗ trợ...

* Nói như ông không lẽ gói hỗ trợ lãi suất đưa ra rồi...

- Tất nhiên là dù khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện vì đây không chỉ là cam kết của Chính phủ mà cũng là cái phao thực sự cần thiết để “cứu” doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Ý tôi muốn nói, thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quyết liệt nhưng không cần vội. Bởi dù văn bản pháp lý, chính sách có hoàn thiện đến đâu nhưng không thể bao quát hết sự đa dạng phong phú của thực tiễn. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần sự vào cuộc của các bộ, ngành một cách quyết liệt hơn nữa để nhanh chóng xử lý vướng mắc trong quá trình thực thi vì tinh thần: dám làm và chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung.

Tại VN, với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cuối năm 2021, chúng ta chuyển sang chính sách kiểm soát linh hoạt đối với dịch bệnh Covid-19, đồng thời triển khai thực hiện chương trình phục hồi nền kinh tế. Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đạt mức đáng ghi nhận và VN là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt kết quả tích cực này.TS Võ Trí Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.