Từ loại có sẵn trong vườn nhà như rau cải, diếp cá, đinh lăng, ngải cứu, ngũ gia bì... cho đến các loại từ rừng như xoài rừng, sung, lá bứa, lê rừng, lá ngạnh. Trên mâm gỏi lá có các món đi kèm là bì heo trộn thính, đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng, đĩa tôm sông xào thơm lựng, ít muối hạt, tiêu hạt, ớt hiểm.
|
Đặc biệt, món mẻ đi kèm gỏi lá được chế biến khá công phu. Trước hết, nếp được ủ lên men, để khoảng nửa tháng. Khi mùi thơm dậy lên là có thể đem ra sử dụng, bằng không thì mẻ ủ thất bại, phải mất công thêm nửa tháng chuẩn bị. Men nếp được trộn với tôm khô, thịt heo ba chỉ, sau đó xay nhuyễn. Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn đun nóng rồi gạt mớ hành khô giã nhỏ vào chảo, đảo đều tay. Cho tất cả hỗn hợp trên vào, nêm thêm chút sa tế, gia vị vừa ăn, để lửa liu riu năm đến bảy phút là được.
Khâu chế biến cá sẽ cầu kỳ hơn. Các loại cá như chép, lóc, mè đều có thể làm gỏi. Trước tiên, rửa cá thật sạch bằng nước muối loãng, mổ lấy ruột, để ráo nước, lấy khăn giấy thấm cho khô. Riêng cá lóc phải lọc bỏ da cho khỏi tanh. Cá được thái từng lát thật mỏng, trộn vào hỗn hợp nếp đã rang xay, riềng xay nhuyễn hoặc trộn với nước cốt chanh, riềng xay và phải để vài ba tiếng đồng hồ mới có đĩa gỏi cá ngon lành.
Khi ăn, lấy một nửa lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn, sau đó ngắt mỗi thứ lá một chút để cuốn thành cái phễu nhỏ, gắp thêm miếng thịt ba chỉ thái mỏng, tôm hoặc lát cá rồi bỏ thêm chút muối hạt, tiêu, thêm một chút mẻ nữa là đủ. Món gỏi vừa có vị ngọt của thịt, tôm hay cá, lại có thêm vị cay, thơm nồng của tiêu hạt, ớt hiểm; hương men của mẻ; cay, chát thơm của lá. Tất cả dư vị đọng trên đầu lưỡi khiến người thưởng thức chưa ăn xong một miếng đã thòm thèm miếng nữa.
Ăn gỏi lá cũng là “ăn thuốc”, bởi có nhiều loại lá cây rất tốt cho sức khỏe như đinh lăng, ngũ gia bì, lá mơ, xoài rừng, lá lê rừng, lá hồng ngọc... Điều rất thú vị, do không thể nào cùng lúc ăn 60 loại lá trong một cuốn gỏi, nên mỗi cuốn sẽ cho thực khách một hương vị riêng, tùy theo đã chọn gói lá gì.
Ở Gia Lai và Kon Tum, chỉ độ non chục quán có bán gỏi lá như trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng (TP.Pleiku, Gia Lai) và có thêm vài quán đường Trần Cao Vân, TP.Kon Tum.
Trần Hiếu
Bình luận (0)