Gợi ý giải đề toán tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội

18/06/2013 12:20 GMT+7

(TNO) Sáng nay 18.6, học sinh tại Hà Nội bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014 với môn văn.

>> Quảng Nam tổ chức thi tuyển sinh lớp 10
>> Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Tăng hồ sơ ở những trường tốp trên
>> Ngoại ngữ là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10
>> Hậu Giang chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014
>> Toàn cảnh chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội
>> Công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 chuyên tại TP.HCM

- Tải về gợi ý giải đề thi môn Văn:  bản word bản PDF

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Khóa ngày 18 tháng 06 năm 2013 tại Hà Nội
Môn thi: VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Phần I: (6 điểm)

Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải nguyện làm một con chim, một cành hoa và một nốt nhạc trầm để kết thành:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”

(Trích Ngữ văn 9, tập hai - NXB Giáo dục, 2012)

1. Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ được cấu tạo bởi những từ loại nào? Việc kết hợp các từ loại ấy có tác dụng gì?

2. Nốt nhạc trầm trong bài thơ có nét riêng gì? Điều đó góp phần thể hiện ước nguyện nào của tác giả?

3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ tâm niệm của nhà thơ, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế).

Phần II (4 điểm)

Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:

“- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. (…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn.”

(Trích Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục, 2012)

1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

2. Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ Sông núi nước Nam có nội dung tương tự.

3. Từ đoạn trích trên, với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

BÀI GIẢI GỢI Ý

Phần I :

1. Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ được cấu tạo bởi hai từ loại: “mùa xuân” là danh từ và “nho nhỏ” là tính từ. Việc kết hợp các từ loại ấy có tác dụng miêu tả rõ đặc điểm của danh từ (mùa xuân).

2. Nốt nhạc trầm  theo nghĩa hiện thực là nốt nhạc có cao độ thấp. Trong bài thơ nó là một hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ sử dụng để nói lên cái khát vọng muốn được khiêm tốn cống hiến cho cuộc đời. Đó là một khát vọng cao thượng và chân thành.

3. Câu hỏi yêu cầu thí sinh phải viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ tâm niệm của nhà thơ, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế). Thí sinh phải đáp ứng những yêu cầu căn bản nói trên: viết một đoạn văn nghị luận; khoảng 12 câu; theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp; nội dung làm rõ tâm niệm của nhà thơ Thanh Hải trong bốn câu thơ; câu văn phải có loại câu bị động và phép thế (chú ý phải gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế). Mỗi thí sinh sẽ có nội dung cụ thể khác nhau, tuy nhiên đoạn văn phải đáp ứng những yêu cầu căn bản nói trên.

Đây chỉ là một đoạn văn mang tính chất gợi ý tham khảo:

(Sau khi đã chép bốn câu thơ trên)

Câu một: Khổ thơ thể hiện tâm nguyện của nhà thơ muốn được cống hiến cho cuộc đời.

Câu hai: Khát vọng đó được thể hiện qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ.

Câu ba: Đó là một hình ảnh khái quát xuyên suốt bài thơ có ý nghĩa biểu hiện cái đẹp của thiên nhiên, đất nước và cuộc sống.

Câu bốn: Trong khổ thơ này, mùa xuân được xây dựng thành hình ảnh ẩn dụ nói lên khát vọng cống hiến của nhà thơ cho cuộc đời.

Câu năm: Ý thức rằng cá nhân chỉ là một phần tử nhỏ bé, nhà thơ mong ước mình là một mùa xuân nho nhỏ.

Câu sáu: Hơn nữa, lại lặng lẽ dâng cho đời.

Câu bảy: Khiêm tốn biết bao là ước nguyện cống hiến của nhà thơ Thanh Hải.

Câu tám: Bởi lẽ, con người ta rất dễ trở nên tự đắc, tự kiêu trước những đóng góp của mình.

Câu chín: Thông thường, người ta quan niệm còn trẻ còn làm việc, già thì nghỉ ngơi an hưởng.

Câu mười: Thậm chí có khi còn đòi hỏi người khác phải phục vụ, phải tưởng nhớ cho những cống hiến của mình.

Câu mười một : Nhưng nhà thơ Thanh Hải lại quan niệm hoàn toàn khác: Nhà thơ khao khát cống hiến không chỉ là lúc tuổi hai mươi mà cả khi tóc bạc.

Câu mười hai: Cả khổ thơ là tâm nguyện chân thành cao đẹp của nhà thơ, là một lời nhắc nhở sâu sắc với mọi người về lẽ sống đáng để ghi nhớ và học tập.

Phần II:

1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Tác giả là nhóm Ngô Gia Văn Phái, gồm có Ngô Thì Chí (1758-1788) và Ngô Thì Du (1772-1840).

2. Lời nói của nhà vua “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước và kín đáo bày tỏ niềm tự hào về chủ quyền đất nước và sự bình đẳng giữa phương Bắc với phương Nam. Trong bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt có hai câu mang nội dung tương tự:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách trời

(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư)

3. Câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý để tham khảo :

- Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

- Các anh là những người sống trong một khung cảnh có nhiều khó khăn gian khổ: sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố, …

- Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền: thiếu nước ngọt, thiếu sách báo,…

- Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,…

- Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả.

- Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hàng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả,… nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hy sinh thầm lặng của các anh.

- Hình ảnh của các anh chiến sĩ ngoài biển đảo là những hình ảnh hào hùng ẩn chứa vẻ đẹp của sự hy sinh vì nghĩa lớn.

Nguyễn Hữu Dương
(TT Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn - TP.HCM)

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.