Gom tiền để dành cưới vợ đầu tư sân bóng rổ

19/07/2024 09:28 GMT+7

Sân bóng rổ do anh anh Ngô Hoàng Phi (35 tuổi), ngụ P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, đầu tư với kinh phí hơn 2 tỉ đồng được xem là có quy mô bậc nhất miền Tây.

Tự thấy mình quyết định liều lĩnh

Anh Phi có 20 năm gắn bó với môn bóng rổ và tham gia nhiều giải đấu phong trào. Nhận thấy Cần Thơ thiếu sân chơi chuyên nghiệp cho người đam mê bộ môn này, anh quyết định đầu tư xây dựng đạt chuẩn FIBA (Liên đoàn Bóng rổ thế giới).

Gom tiền để dành cưới vợ đầu tư sân bóng rổ- Ảnh 1.

Sân bóng rổ do anh Phi đầu tư xây dựng đạt chuẩn FIBA

DUY TÂN

Năm 2023, anh gom hết tiền tích lũy sau nhiều năm kinh doanh thành công rồi cùng vài người bạn thân đầu tư xây dựng sân bóng rổ tại trung tâm TP.Cần Thơ. Từ khi sân khai trương và hoạt động đã thu hút nhiều người đến chơi; các hội, nhóm bóng rổ cũng đến đây tập luyện, thi đấu.

"Thật sự, đây là một quyết định liều lĩnh, bởi số tiền hơn 2 tỉ đồng đối với tôi rất lớn. Tôi đã gom hết tiền để dành cưới vợ đầu tư vào dự án này. Chúng tôi dự định năm sau cưới, nhưng rồi tạm gác lại để lo công việc. Thật may mắn, bạn gái ủng hộ hết mình và giúp tôi quản lý, điều hành sân. Một số anh em thấy tôi tâm huyết nên cũng hỗ trợ một phần vốn", anh Phi chia sẻ.

Sân bóng rổ của anh Phi gồm 1 sân lớn chuẩn FIBA 5 x 5 m và sân 3 x 3 m. Sàn cao su được nhập trực tiếp từ đơn vị chuyên cung cấp cho các giải đấu chuẩn quốc tế. Loại sàn này giúp người chơi giảm thiểu tối đa va chạm, tránh gây chấn thương, tăng hiệu suất tập luyện, thi đấu.

Hiện tại, anh Phi kinh doanh với 2 hình thức bán vé. Vé dành cho người chơi lẻ giá 40.000 đồng (có thể chơi cả ngày); vé dành cho hội, nhóm thuê sân tập luyện từ 200.000 - 350.000 đồng/giờ (tùy sân).

'Bóng rổ cứu rỗi đời tôi'

Tùy theo đối tượng tập luyện sẽ có nhóm hỗ trợ từ căn bản đến nâng cao, nếu thi đấu sẽ có huấn luyện viên chuyên nghiệp kèm sát. Khi vào sân, người chơi được kiểm tra kỹ năng xem đang ở phân khúc nào để có giáo trình phù hợp. Giáo trình dành cho người mới chơi đơn giản, chủ yếu làm quen với bóng, nhồi, ném… Sau khi nắm vững kỹ thuật cơ bản thì chuyển sang nâng cao, thi đấu.

Anh Phi tâm sự, do chi phí đầu tư cho sân quá cao nên thời điểm này chưa có lợi nhuận, phải đợi ít nhất 2 - 3 năm nữa. Song, với niềm đam mê bóng rổ và mong muốn góp phần đẩy mạnh phong trào này ở miền Tây nên anh quyết tâm thực hiện.

"Ở miền Tây, ít ai đầu tư sân tư nhân với quy mô lớn. Bởi thế, có nhóm ở tận Hà Nội, TP.HCM không ngại đường xa để đến đây thi đấu, tập luyện trải nghiệm. Với sân chơi này, tôi còn tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, giúp người trẻ có địa điểm tập thể thao, không la cà quán xá, tiệm net", anh Phi cho biết.

Cũng theo anh Phi, thời còn học sinh, có lần anh đứng trước bờ vực sa ngã, giờ mỗi khi nghĩ lại không khỏi giật mình. May thay, năm 14 - 15 tuổi, anh "bén duyên" với bóng rổ. Nhờ có năng khiếu, thể lực tốt nên anh nổi trội ở môn bóng rổ phong trào lúc bấy giờ. Cũng từ đó, cuộc sống của anh sang trang mới, tươi đẹp hơn.

"Nhờ bóng rổ, tôi gắn kết hơn với mọi người, xác định rõ ràng mục đích, mục tiêu cuộc sống, nhận thấy có nhiều tấm gương để học hỏi. Từ đó, tôi quyết tâm theo đuổi đam mê môn thể thao này", anh Phi chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.