Xuất khẩu da giày, xuất khẩu gỗ, thủy sản... đều đang gặp khó tại thị trường châu u khi người dân khối này thắt chặt chi tiêu để đối phó với cuộc khủng hoảng diễn biến ngày càng xấu. Nhưng ngay lập tức, việc tìm thị trường thay thế hay quay trở lại thị trường nội địa không phải chuyện đơn giản với nhiều doanh nghiệp.
Trên thực tế, câu chuyện "lao" theo thị trường mới hấp dẫn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không phải là chuyện mới.
Còn nhớ khi thị trường Mỹ mới được mở ra, hầu hết các doanh nghiệp ở nhiều ngành, nghề đều hăm hở đẩy mạnh bán hàng vào thị trường này mà quên hẳn việc khai các thị trường khác. Tệ hơn, trong khi hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhỏ trên thế giới tìm cách thâm nhập thị trường trong nước thì một thời gian dài, các doanh nghiệp của ta thậm chí đã bỏ lơ thị trường nội địa đầy tiềm năng để chạy theo việc xuất khẩu... Chỉ đến khi nhiều mặt hàng như cá basa, tôm, một số hàng tiêu dùng... gặp khó vì bị Mỹ đánh thuế bán phá giá. Chỉ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều doanh nghiệp mới giật mình.
Nhưng cũng như trước đây, không ít doanh nghiệp trong lộ trình đa dạng hóa thị trường lại rơi vào "vết xe đổ", đó là tập trung chủ yếu vào EU với tâm lý, thị trường quá lớn này đủ để "bảo hành" cho việc bán hàng của họ. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ công và tình trạng thắt chặt chi tiêu một cách tối đa của hầu hết người dân khối EU lại một lần nữa đẩy doanh nghiệp vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, lao đao vì khó khăn.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không còn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi đây cũng là xu hướng của chính những nhà nhập khẩu trên thế giới. Đơn cử như chuyến qua Việt Nam gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ông Ali Mousa, Chủ tịch Hội nghị và triển lãm lúa gạo quốc tế Rice Dubai 2011 mới đây. Theo ông này, hiện Dubai nhập khẩu gạo chủ yếu từ Pakistan, Ấn Độ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, họ muốn tìm thêm các nhà xuất khẩu gạo mới mà Việt Nam là một trong những lựa chọn mà họ nhắm đến. Hay một loạt các doanh nghiệp nhập khẩu hàng may mặc Nhật Bản chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh rủi ro sau một thời gian dài tập trung vào thị trường Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, nếu ta không thay đổi cung cách làm ăn, nếu ta không chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thì ngay kể cả khi không gặp khó khăn, không bị khủng hoảng, các doanh nghiệp của ta vẫn có thể gặp rủi ro khi nhà nhập khẩu tiến hành việc đa dạng hóa nhà cung cấp.
Câu chuyện "muốn ra biển lớn, phải vững ở sân nhà"; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro "gom trứng vào một giỏ" đã được nói nhiều lần nhưng vẫn luôn mới đối với nhiều doanh nghiệp của ta.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)