Người tiêu dùng tại TP.HCM bước vào tháng 4 với thông tin sẽ có thêm hàng loạt mặt hàng tại siêu thị tăng giá, với nhiều mức khác nhau.
Nhà sản xuất đòi tăng
Tại hệ thống siêu thị Maximark, trong tháng 4 này, các mặt hàng mỹ phẩm, hàng may mặc, chất tẩy rửa, đồ nhựa, bánh kẹo, đồ dùng gia đình, thực phẩm, nước giải khát, ngũ cốc... được áp dụng giá mới, tăng khoảng 10%. Bà Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximark - cho biết: “Tất cả các nhóm hàng, với cả ngàn mặt hàng tăng giá. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là nguyên liệu, giá điện, xăng dầu tăng giá, chi phí sản xuất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động...”.
Tất cả các nhóm hàng, với cả ngàn mặt hàng tăng giá. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là nguyên liệu, giá điện, xăng dầu tăng giá, chi phí sản xuất tăng, tỉ giá ngoại tệ biến động...
|
|
Bà Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximark |
Theo thông tin từ Phòng kinh doanh siêu thị Citimart, trong tháng 4, tất cả các mặt hàng tại siêu thị này đều tăng giá, từ 5-15%. Lý do các nhà cung cấp hàng đưa ra khi yêu cầu tăng giá cũng là nguyên liệu tăng, xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, giá điện tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, giá nhân công tăng...
Từ đầu tháng 3 đến nay, Saigon Co.op đã nhận được thông báo yêu cầu tăng giá của hơn 60 nhà cung cấp với hơn 100 mặt hàng, trong đó chiếm đa số là bánh kẹo, trà, bột ngũ cốc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến với mức tăng đề xuất từ 7% - 10%. Nguyên nhân tăng giá tương tự như đã nêu trên. Bà Lê Quang Thục Quỳnh - Giám đốc marketing Saigon Co.op - nói: “Saigon Co.op đang xem xét lại những đề nghị này có hợp lý hay không. Nếu nhà cung cấp chứng minh được lý do tăng giá là hợp lý thì Saigon Co.op sẽ chấp thuận. Saigon Co.op đang làm việc với từng nhà cung cấp để xác định mức tăng giá và thời gian tăng giá cụ thể nhằm tránh gây bất lợi cho người tiêu dùng”.
Siêu thị “hoãn binh”
Theo Sở Công thương TP.HCM, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra giá cả các mặt hàng trên thị trường, nếu có dấu hiệu tăng giá vô lý thì sẽ lập biên bản để xử lý, nếu nghiêm trọng thì sẽ áp dụng hình thức rút giấy phép kinh doanh. |
Lợi thế của siêu thị trong việc thu hút khách hàng đến mua sắm là các chương trình khuyến mãi và cạnh tranh về giá bán. Thế nên khi các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, siêu thị thường rất khó xử.
Giám đốc một siêu thị lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Trong tháng 3, sữa bột, điện, thép và nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá từ 5-10%. Tháng 4 lại một đợt tăng giá mới, sẽ là gánh nặng cho người tiêu dùng. Nhà cung cấp nào cũng đòi tăng giá hàng. Nếu mình không đồng ý thì chỉ còn cách không nhập hàng của họ về bán nữa”.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C - thì thông tin: “Trong tháng 4, một số mặt hàng vải sợi sẽ tăng khoảng 3%. Đối với mặt hàng điện tử điện lạnh, nhiều nhà cung cấp đề nghị tăng từ 8-20% nhưng Big C đang thương lượng. Ở thời điểm này nhu cầu mua sắm chưa nhiều, nếu tăng giá trong đợt này thì sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Vì thế Big C sẽ tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thiết yếu”.
Còn Saigon Co.op cho biết, để hạn chế việc phụ thuộc vào nhà cung cấp, Saigon Co.op sẽ phát triển nguồn hàng riêng. Hiện Saigon Co.op tiếp tục thực hiện những biện pháp giữ giá như chủ động nguồn hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng, thực hiện khuyến mãi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể từ nay đến 18.4, Co.op Mart khuyến mãi giá tốt nhất 300 mặt hàng thực phẩm tươi sống - chế biến nấu chín, nhóm hàng công nghệ, đồ dùng, trong đó có mặt hàng giảm giá đến 46%. Co.op Mart cũng thực hiện thưởng chiết khấu trên doanh số mua hằng năm 2009 đối với khách hàng thành viên từ ngày 1.4 đến 15.6. Đây là một số biện pháp nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm với chất lượng hàng hóa tốt, qua đó góp phần bình ổn giá thị trường.
Giá thép, xi măng tăng mạnh Mai Phương |
Quang Thuần - Hoàng Việt
Bình luận (0)