Google, Facebook, TikTok… đã nộp 7.250 tỉ đồng thuế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/05/2023 19:37 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 52 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, TikTok... từ 21.3.2022 đến nay đã nộp khoảng 7.250 tỉ đồng tiền thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa gửi Quốc hội báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62 năm 2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (tháng 5.2022) liên quan đến lĩnh vực tài chính.

Trao đổi thông tin với Bộ Công an về cá nhân thu nhập khủng

Google, Facebook, TikTok… đã nộp 7.250 tỉ đồng thuế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Tại báo cáo, Bộ trưởng Phớc cho biết, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế đã có công văn gửi 4 nhà cung cấp nước ngoài (Netflix, Spotify, Tinder, Amazon) yêu cầu thực hiện đây đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Đối với Apple, Google, Tổng cục Thuế đã họp với các đơn vị để hướng dẫn kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử.

Về quản lý thu đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, theo báo cáo, từ thời điểm bắt đầu vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (21.3.2022) đến nay, đã có 52 nhà cung cấp đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử (trong đó có các nhà cung cấp lớn như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft).

"Đến nay, các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp thuế tương đương hơn 7.250 tỉ đồng", Bộ trưởng Phớc nêu rõ trong báo cáo.

Thời gian tới, để quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng (Bộ Công an) để trao đổi thông tin về các cá nhân nhận thu nhập lớn từ quảng cáo do cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số trên các nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới, như: YouTube, Facebook, TikTok...

Cạnh đó là thông tin các cá nhân có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng OTT như Facebook, Zalo...

Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Một nhiệm vụ khác Bộ Tài chính đã thực hiện là ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị truờng trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Theo báo cáo, Bộ Tài chính đã trình và ngày 16.9.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153.

Trong đó, Nghị định số 65 đã sửa đổi quy định về phương án, hồ sơ chào bán trái phiếu, yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình như chào bán trái phiếu ra công chúng, quy định đăng ký, lưu ký và giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán.

Nghị định cũng hoàn thiện quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Ông Phớc cũng cho hay, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh nội dung trên, Bộ trưởng Phớc cũng báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản.

Ông Phớc cho biết đã có công điện yêu cầu cơ quan thuế không được gây khó khăn cho người nộp thuế, không được ngăn chặn việc chuyển nhượng bất động sản của người dân, không được gây ách tắc, tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.