Google, Facebook, YouTube... đóng thuế tại Việt Nam như thế nào ?

13/11/2020 06:53 GMT+7

Việc các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Google, YouTube, Facebook ... vẫn chưa đóng thuế tại Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ bởi các “ông lớn” này hoạt động đã lâu, doanh thu lớn và ngày càng bành trướng thị phần tại thị trường nội địa. .

Doanh thu hàng tỉ USD vẫn không đóng thuế

Trả lời tại phiên họp Quốc hội ngày 6.11, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỉ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế. Vì vậy, bộ này sẽ cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.

Ngành thuế phải tập hợp chứng từ, yêu cầu các doanh nghiệp kê khai chi tiết thay vì chỉ báo cáo chung là chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Có vậy mới bắt đầu được câu chuyện quản lý thuế cho các ngành kinh doanh xuyên biên giới mà không đặt văn phòng ở Việt Nam

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM)

Trả lời Thanh Niên chiều 11.11, đại diện Tổng cục Thuế cho hay trong 8 tháng năm 2020, cơ quan thuế xác định có 5.000 tỉ đồng doanh thu từ các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Chủ yếu qua 3 nhóm gồm bán hàng thông qua mạng xã hội; thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube...); các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...). Như vậy hầu như việc thu thuế nhà thầu từ các dịch vụ quảng cáo hay đặt phòng cho các đơn vị trên vẫn không có. Thực tế trong thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện chống thất thu thuế nhưng công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT-TT xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền.
Báo cáo vừa công bố của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á 2020 cho thấy ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm ngoái, đạt giá trị 3,3 tỉ USD. Còn theo Bộ TT-TT, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỉ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi DN trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập DN là một bất công trên thị trường.

Tập trung kiểm soát doanh thu

Để thu thuế các cá nhân bán hàng qua mạng, có thu nhập từ các chương trình trên YouTube, Facebook…, ngành thuế đã phối hợp với các đơn vị như ngân hàng thương mại để kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong nước. Sau đó, cơ quan thuế sẽ thông tin đến từng cá nhân trong và ngoài nước, thông báo kê khai, nộp thuế. Như vậy điều quan trọng là làm thế nào để xác định được doanh thu của các tập đoàn công nghệ trên tại Việt Nam? Hiện nay, dù nhiều tập đoàn như Facebook, Google, Netflix... chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam, nhưng hầu hết đã chỉ định các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng này. Ngoài ra các đơn vị này cũng cho phép người dùng có thể tự đăng ký và thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng. Theo quy định, các đại lý quảng cáo sẽ nộp thuế nhà thầu thay cho các đơn vị ở nước ngoài như Facebook, Google... Riêng việc DN hay cá nhân thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng thì hầu như không kê khai hoặc rất ít thực hiện nộp thuế này.
Mới đây, chính phủ Indonesia ra quyết định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với các công ty công nghệ nước ngoài gồm Amazon, Google, Netflix, Spotify đang bán hàng hóa và dịch vụ ở Indonesia nhưng không có sự hiện diện thực tế tại nước này. Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính Indonesia thông báo đã phân bổ mã số thuế cho Công ty dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services của Amazon, Netflix (Mỹ), nền tảng nhạc số Spotify (Thụy Điển) và các đơn vị của Google gồm Google Asia Pacific, Google Ireland, Google LLC với mục đích thu thuế VAT 10% kể từ ngày 1.8. Dù các tập đoàn này không có sự hiện diện văn phòng tại Indonesia nhưng bán các sản phẩm và dịch vụ số hóa có doanh số ít nhất 600 triệu rupiah/năm (tương đương 41.600 USD) hoặc tạo ra lượng truy cập hằng năm ít nhất từ 12.000 người dùng ở Indonesia, phải nộp thuế VAT 10%.
Vì vậy, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM), cho rằng cơ quan thuế phải tập trung xác định được doanh thu của các tập đoàn công nghệ ở Việt Nam là bao nhiêu, nhất là việc các công ty thanh toán trực tiếp mà không thông qua các đại lý quảng cáo. Đặc biệt cần bổ sung quy định về việc các DN nếu thanh toán chi phí quảng cáo thông qua mạng, từ thẻ tín dụng thì phải kê khai chi tiết trong báo cáo thuế là thanh toán cho khoản mục nào, cho tổ chức nào mới được tính là chi phí hợp lý hợp lệ.
“Dường như cơ quan thuế vẫn đang loay hoay không biết làm thế nào để thu được thuế từ các tập đoàn đó. Hiện các cơ quan chưa có một số liệu cụ thể nào về doanh thu của các tập đoàn công nghệ trên mà chỉ mới nói chung chung theo các công ty nghiên cứu thị trường. Nếu không có số liệu, chứng cứ thì khó bắt buộc các đơn vị đó phải tuân thủ quy định và đóng thuế cho Việt Nam. Ngành thuế phải tập hợp chứng từ, yêu cầu các DN kê khai chi tiết thay vì chỉ báo cáo chung là chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Có vậy mới bắt đầu được câu chuyện quản lý thuế cho các ngành kinh doanh xuyên biên giới mà không đặt văn phòng ở Việt Nam. Nếu không, chúng ta vẫn cứ giậm chân tại chỗ thêm nhiều năm nữa”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.