Theo VentureBeat, Google cho biết họ đã hợp tác với các nhà phát triển và người dùng chữ nổi để tạo ra bàn phím này và để đảm bảo nó có thể được sử dụng ở bất cứ nơi nào người dùng thường gõ, bao gồm các ứng dụng truyền thông mạng xã hội, nhắn tin văn bản và email.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng tỉ người trên toàn cầu bị suy giảm thị lực hoặc mù lòa. Để giải quyết nhu cầu của họ, Google trước đây đã phát hành BrailleBack, một dịch vụ trợ năng cho Android giúp người dùng sử dụng các thiết bị chữ nổi nhưng BrailleBack không thể gõ trên màn hình.
Bàn phím chữ nổi mới sẽ được tung ra cho các thiết bị chạy Android 5.0 trở lên thông qua bản cập nhật Android Accessibility Suite trên Google Play Store, được kích hoạt bằng cách vuốt ba ngón tay lên màn hình. Nó hỗ trợ chữ nổi cấp 1 và cấp 2 bằng tiếng Anh (có thể thêm ngôn ngữ để theo dõi) và có thể bật hoặc tắt đơn giản như chuyển đổi giữa các bàn phím quốc tế.
Bàn phím sử dụng bố cục 6 phím tiêu chuẩn và mỗi phím đại diện cho một trong 6 dấu chấm chữ nổi, và khi gõ sẽ tạo bất kỳ chữ cái hoặc ký hiệu nào. Chẳng hạn, nhấn vào dấu chấm 1 để nhập chữ A, dấu chấm 2 để nhập chữ B, dấu chấm 1 và 4 để nhập chữ C hay dấu chấm 1,4 và 5 để nhập chữ D… Ngoài ra, thao tác vuốt sang trái sẽ xóa một chữ cái, trong khi vuốt sang trái bằng hai ngón tay sẽ xóa một từ, vuốt sang phải thêm một khoảng trắng, trong khi vuốt hai ngón tay sang phải hoặc lên tương ứng sẽ chèn một dòng hoặc văn bản mới.
Brian Kemler, quản lý nhóm sản phẩm Android Accessibility cho biết, “ngày nay, màn hình chữ nổi giúp gõ nhanh có mặt trên hầu hết các điện thoại và máy tính thông qua bàn phím chữ nổi vật lý. Nhưng nó có thể tốn thời gian để kết nối một thiết bị bên ngoài mỗi khi muốn gõ nhanh chóng trên điện thoại của mình. Là một phần trong nhiệm vụ khiến việc truy cập thông tin trên toàn thế giới được đồng nhất, chúng tôi hy vọng bàn phím này có thể mở rộng khả năng tiếp xúc chữ nổi với những người mù và thị lực kém”.
Bàn phím chữ nổi là nỗ lực tiếp cận mới nhất của Google cùng với những dự án khác được công bố tại hội nghị nhà phát triển Google I/O 2019, bao gồm Project Euphonia, Live Relay, Project Diva...
Bàn phím chữ nổi cũng bổ sung cho Sound Amplifier, ứng dụng giúp tăng cường âm thanh trong tai nghe có dây. Vào năm 2018, Google đã mang hỗ trợ trợ thính riêng cho Android. Gần đây, Google đã mang đến hướng dẫn và các loại thông báo bằng giọng nói trên Google Maps. Hãng cũng đã giới thiệu Live Caption, một tính năng cung cấp phiên âm giọng nói trên thiết bị theo thời gian thực.
Bình luận (0)