Theo Wall Street Journal, người dùng thường tìm kiếm các trợ giúp kỹ thuật từ Google, gọi hoặc nhắn tin với các trung tâm dịch vụ họ tìm thấy trên trang tìm kiếm. Theo một nghiên cứu trong năm 2018, 72% các phản hồi dịch vụ trên các trang tìm kiếm lớn dẫn đến các website hỗ trợ kỹ thuật lừa đảo.
Theo đó sau khi kết nối, kẻ lừa đảo yêu cầu quyền truy cập vào máy tính của nạn nhân và chạy phần mềm quét virus giả mạo và chỉ ra các mối đe dọa bảo mật nhằm thuyết phục người dùng rằng máy tính của họ bị hỏng hoặc bị xâm phạm. Sau đó, những kẻ lừa đảo này sẽ bán ra những "dịch vụ hỗ trợ" thường với chi phí hàng chục đến hàng trăm USD.
Những vụ lừa đảo này hiện có dấu hiệu gia tăng. Microsoft nhận được khoảng 12.000 khiếu nại về lừa đảo hỗ trợ kỹ thuật mỗi tháng, tăng hơn 24% so với năm 2017. Ủy ban Thương mại liên bang đã báo cáo có hơn 45.000 khiếu nại về gian lận hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến trong năm 2016 theo ước tính của các đại lý, và con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số thực tế.
Google đã ngay lập tức bắt đầu hạn chế các quảng cáo hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến trên toàn cầu và hãng dự định giới thiệu một hệ thống xác thực mới trong vài tháng tới. Chương trình này của Google đảm bảo rằng chỉ các công ty hỗ trợ kỹ thuật hợp pháp của bên thứ ba mới có thể quảng cáo trên Google. Các danh mục quảng cáo trên toàn cầu trong thời gian tới cũng sẽ bị hạn chế lại. Google cho biết hãng đã “thanh trừng” 3,2 tỉ quảng cáo xấu thuộc nhiều thể loại khác nhau trong năm 2017 vừa qua và trung bình xóa 100 quảng cáo mỗi giây vì vi phạm các chính sách của hãng.
Động thái này được đưa ra sau khi một cuộc điều tra từ Wall Street Journal cho thấy những kẻ lừa đảo đang khai thác hệ thống quảng cáo của Google bằng cách mua các quảng cáo tìm kiếm và giả mạo là các đại lý dịch vụ được ủy quyền cho các công ty lớn như Apple, Microsoft... Các quảng cáo sẽ hiển thị một liên kết đến trang web của hãng, nhưng một số trong đó chuyển đến một đường dây lừa đảo với mưu đồ đánh lừa người dùng về các hỗ trợ kỹ thuật.
Bình luận (0)