(TNO) Sau 2 ngày mở cửa tham quan, mô hình đoàn tàu metro tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ người dân.
Nhiều người góp ý thẳng thắn trên tinh thần xây dựng
|
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần người dân đến tham quan mô hình đều tỏ ra hài lòng với hệ thống metro trong tương lai. Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm mà người dân chưa thực sự hài lòng về đoàn tàu metro tuyến số 1.
Lưu ý về tay vịn trên cao và chỗ ngồi
Theo ông Nguyễn Văn Cửu (cán bộ hưu trí ở quận Thủ Đức, TP.HCM), nhìn chung về mặt thiết kế cũng như hình dáng của tàu khá đẹp và hợp lý. Màu sắc trên tàu bắt mắt, dễ chịu. Tuy nhiên, ông Cửu cũng góp ý thêm ở chỗ tay vịn thì nên thiết kế thêm một số chỗ cho phù hợp.
“Tôi cũng có đi tàu điện ở một số nước và thấy chúng ta làm rất tiến bộ. Ở đây tôi chỉ so sánh tàu của mình với Hàn Quốc thì tàu của mình cũng không thua kém gì nước bạn. Còn về chiều cao tay vịn ở nước ngoài tôi cũng không để ý nhưng khi xem xét kỹ tôi thấy thể hình người Việt mình nhỏ hơn thì nên tính toán lại ở chỗ đó. Tuyến Bến Thành - Suối Tiên hành khách đa phần là học sinh, sinh viên nên thể hình của các em còn nhỏ và thấp, khi các em đứng thì khó có thể với tay tới các tay vịn trên cao”, ông Cửu nói.
Ông Cửu cũng đóng góp thêm về việc thiếu những bản hướng dẫn về sơ đồ tuyến, theo ông rất cần thiết phải gắn những bản hướng dẫn về sơ đồ tuyến đường, nhà ga lên xuống và nhất là các bãi giữ xe để người dân nắm rõ.
Trong khí đó, anh Nguyễn Tuấn Đạt (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết mô hình tàu Metro như hiện nay khá hiện đại nhưng cũng cần thay đổi một số điểm cho phù hợp. Theo anh Đạt, đầu tàu thiết kế nhìn hơi thô và chưa đẹp lắm, rất giống với đầu xe buýt. Đặc biệt, theo anh Đạt với sức chưa hơn 300 người trên một toa tàu thì việc thiết kế tay vịn như vậy là quá ít, cần lắp đặt thêm những hàng tay vịn ở giữa để đảm bảo có đủ tay vịn cho hành khách trong giờ cao điểm.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng (làm việc tại văn phòng thành đoàn TP.HCM) cũng nêu lên một số điểm chưa thực sự phù hợp cần được thay đổi. Theo ông Hùng, việc thiết kế hàng ghế có những lằn ranh ngăn cách chỗ ngồi của từng hành khách là không hợp lý. Thiết kế như vậy sẽ làm hạn chế số lượng ghế ngồi. Ông Hùng đề xuất nên thiết kế ghế dạng phẳng và thẳng hàng để có thể tận dụng chỗ cho nhiều người được ngồi hơn. Ông cũng lưu ý, việc 8 hành khách chỉ đứng trên khoảng diện tích một mét vuông vào giờ cao điểm là không hợp lý vì như vậy quá chật.
Cũng nhận xét về đoàn tàu, bà Phạm Ngọc Hiền (TP.HCM) cho biết: “Theo tôi thấy thì việc thiết kế hệ thống metro như hình mẫu là tương đối tốt. Tuy nhiên, tôi cũng có một số góp ý. Thứ nhất, về thiết kế hình dáng theo tôi là khá đẹp và phù hợp nhưng tôi lo ngại việc dùng màu trắng cho một số nội thất sẽ không ổn lắm vì màu trắng dễ bẩn khi sử dụng lâu dài. Thứ hai, về hệ thống tay nắm, tôi thì hơi thấp nên với độ cao tay nắm như mô hình thì nắm rất mỏi tay theo tôi nên thiết kế thêm những hàng tay nắm thấp hơn để những người có chiều cao khiêm tốn có thể nắm được”.
Lo lắng về an ninh
Bên cạnh những ý kiến về hình dáng và thiết kế của đoàn tàu Metro, nhiều người cũng bày tỏ về vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tàu vận hành.
Bà Phạm Thị Kim Bạch, Phó chánh Văn phòng Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, cho biết vấn đề mà bà quan tâm và lo lắng nhất là chuyện an ninh trật tự trên tàu khi vận hành. Theo bà Bạch, do không có nhân viên quản lý trên tàu nên rất dễ xảy ra nhiều điều rắc rối như cướp giật, móc túi hay thậm chí ẩu đả, đánh nhau. Đặc biệt, bà cũng lo ngại việc chị em phụ nữ khi đi tàu vào ban đêm rất sợ xảy ra cướp bóc hay thậm chí những vấn đề nhạy cảm. Ngoài ra, bà Bạch còn lo ngại về giá vé và cách thức phục vụ của hệ thống, tránh tình trạng nhồi nhét hành khách.
Một người dân tên Hòa cũng bày tỏ những lo ngại của ông vấn đề an ninh, mất trật tự sẽ xảy ra ngay trên toa tàu khi không có người quản lý.
Ông Hòa cho biết ngoài việc lắp đặt camera cũng nên cử người trực an ninh ở các ga lên xuống. Nhờ vậy khi xảy ra sự cố khi tàu đang chạy thì người lái tàu sẽ thông báo cho nhân viên ở ga gần nhất để can thiệp. Theo ông Hòa, nên chụp hình lưu trữ thông tin về những đối tượng trộm cắp, quậy phá và cấm đi tàu điện trong khoảng thời gian nhất định. Có như vậy người dân mới thực sự yên tâm để đi tàu điện.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, chị Huỳnh Ngọc (ở Bình Dương) cũng lo ngại về vấn đề an ninh trật tự trên toa tàu. Chị Ngọc nói: “Tôi đi tàu điện ở Singapore có cảm giác rất an toàn, lên xuống tàu có người hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có thai. Nhờ vậy tình trạng chen lấn hay xảy ra tiêu cực cũng giảm đi phần nào”.
Chị Ngọc cho biết thêm, ngoài việc gắn camera ở trong toa tàu thì bên ngoài các nhà ga cũng cần phải có. Nhất là camera hướng vào các cửa ra vào để người quản lý có thể nắm rõ tình hình lộn xộn trong và ngoài toa tàu.
Bình luận (0)