(TNO) Xác nhận với Thanh Niên Online, đại diện của GrabTaxi cho biết kể từ ngày 20.5, hãng sẽ bắt đầu triển khai việc thu phí (khoảng 3.000 đồng) khi tài xế thực hiện thành công một chuyến xe thông qua dịch vụ của đơn vị này.
GrabTaxi bắt đầu thu phí tài xế tại Hà Nội từ ngày 20.5 - Ảnh: T.Luân
|
GrabTaxi xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2014, khi mới ra mắt GrabTaxi khuyến khích lái xe tham gia vào dịch vụ bằng nhiều hình thức như trả hoa hồng, tặng phụ kiện trên xe (vải che nắng, giá đỡ điện thoại,..) nhờ đó lượng tài xế tham gia GrabTaxi gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên bắt đầu từ 20.5.2015, GrabTaxi sẽ thu phí đối với các lái xe taxi sử dụng ứng dụng định vị tự động này để chở khách. Phí thu sẽ tùy theo quãng đường xa gần (căn cứ trên ứng dụng, cao nhất mỗi lái xe phải trả phí 3.000 đồng một chuyến cho GrabTaxi). Trong khi đó, khách hàng khi sử dụng dịch vụ vẫn được hưởng các chế độ ưu đãi tùy theo khu vực.
Hiện tại, GrabTaxi đang có hai phương thức dịch vụ gọi xe trên smartphone là GrabTaxi (gọi taxi) và GrabBike (gọi xe ôm), cả hai dịch vụ này chỉ mới có tại TP.HCM và Hà Nội.
GrabTaxi còn có thêm dịch vụ GrabBike, đây là một dạng dịch vụ gọi "xe ôm" thông minh trên smartphone - Ảnh: Độc Lập
|
Khác với GrabTaxi, thì tài xế của GrabBike sẽ phải chịu phí 20% cho mỗi lần chở khách thành công, đây là chính sách được áp dụng ngay khi tài xế tham gia vào GrabBike. Tuy nhiên, các tài xế không cần phải thường xuyên đứng giữa đường, ở giao lộ nắng nóng và có thể ưu tiên các khách hàng có lộ trình tương tự với chuyến đi của mình, giúp tiết kiệm thời gian và có thêm thu nhập. Nên các tài xế xe ôm khi tham gia vào dịch vụ đều chấp nhận khoản thu này từ GrabTaxi.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc điều hành của GrabTaxi tại Việt Nam, cho biết thực tế việc áp dụng thu phí tài xế GrabTaxi từ ngày 20.5 chỉ mới được áp dụng tại thị trường Hà Nội và hiện hãng chưa có kế hoạch thu phí tài xế GrabTaxi tại thị trường TP.HCM.
Trước việc thu phí này có thể đẩy tài xế "quay lưng" lại với dịch GrabTaxi, ông Tuấn Anh chia sẻ về cơ bản hiện nay thị trường khách hàng sử dụng GrabTaxi sẽ không ảnh hưởng bởi việc thu phí này. Nếu việc thu phí khiến tài xế "chán nản" bỏ dịch vụ thì điều này lại sẽ khiến cho những tài xế khác nhận được thêm lượng khách dư ra và tăng thêm thu nhập cho chính mình. Ngoài ra, việc thu phí này chỉ áp dụng khi tài xế thực hiện một chuyến xe thành công qua GrabTaxi, cho nên đây thực chất là một sự phân chia lợi nhuận giữa GrabTaxi và tài xế.
Anh Mạnh Hùng, một tài xế GrabTaxi tại TP.HCM cho biết nếu GrabTaxi áp dụng hình thức thu phí dịch vụ 3.000 đồng tại TP.HCM, anh sẽ suy nghĩ "cân nhắc" lại việc sử dụng dịch vụ của GrabTaxi, vì ngoài phí phải trả do đây là dịch vụ đặt xe thông minh, nên trong quá trình đặt xe anh cũng phải tốn nhiều chi phí khác như tiền gọi điện thoại cho khách hàng, 3G truy cập mạng.
Thực tế, trong quá trình sử dụng dịch vụ GrabTaxi nhiều tài xế cũng đã tạo được những khách hàng quen và nhiều lúc không cần phải sử dụng dịch vụ của GrabTaxi mới có thể bắt được khách, anh Mạnh Hùng chia sẻ.
Được biết, tại các nước như Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia, GrabTaxi còn áp dụng cả hình thức thu phí cả khách hàng đặt xe qua dịch vụ. Trước câu hỏi liệu trong thời gian tới, thị trường Việt Nam có áp dụng cả hình thức thu phí này hay không, ông Tuấn Anh cho biết "thị trường Việt Nam khá đặc biệt và có lượng xe cao hơn khách hàng có nhu cầu đi xe. Vì thế, hiện chúng tôi không có kế hoạch thu phí khách hàng đặt xe qua dịch vụ GrabTaxi".
Uber sẽ có thêm dịch vụ đi chung xe tại Việt Nam trong năm 2016
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Uber cũng đã chính thức ra mắt dịch vụ gọi xe giá rẻ UberX, với mức cước UberX tại Hà Nội là 5.000 đồng/km, còn tại TP.HCM là 8.500 đồng/km. Trong khi đó, mức cước trung bình của các hãng taxi tại khu vực Hà Nội và TPHCM hiện đang dao động vào khoảng 11.000-16.000 đồng, tùy loại xe 4 chỗ hay 7 chỗ.
Trước đó, theo nội dung văn bản số 2248/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về tình hình hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sẽ phải cùng nhau quản lý Uber.
Trao đổi với Thanh Niên Online, Ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Uber Việt Nam tiết lộ, trước nhu cầu đi đi lại lớn của hành khách và nhận ra tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam, trong năm 2016 Uber dự kiến sẽ triển khai thêm dịch vụ đi chung xe cho nhiều hành khách trên một tuyến đường chung. Có thể hiểu đơn giản, đây là dịch vụ chia sẻ xe trên cùng một tuyến đường. Khi đó, Uber vẫn đón khách đặt xe như thông thường, nhưng sau đó tiếp tục đón thêm khách trên cùng đoạn đường đi. Nếu sử dụng dịch vụ này, hành khách có thể tiết kiệm thêm nhiều chi phí đi xe.
Hiện tại, dịch vụ nói trên của Uber đã được triển khai tại New York, San Francisco (Mỹ) và Paris (Pháp).
|
Bình luận (0)