Trước đó công chúng bị hạn chế cơ hội tiếp cận với những tác phẩm kinh điển (trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, giáo dục, văn hóa...) của toàn nhân loại. Hệ lụy là nhiều nguồn tri thức và các luồng tư tưởng mới, tân tiến bị che khuất. GS Chu Hảo là một trong số những nhà tri thức đương thời hoạt động không mệt mỏi cho việc phổ biến tri thức và nâng cao nền dân trí nước nhà. Công việc của ông bắt đầu từ những trăn trở với văn hóa đọc.
|
|
Các nhà xuất bản vẫn hoạt động với nhiều đầu sách khác nhau, thị trường sách vẫn khá sôi động, trong khi ông lại nói chúng ta không có văn hóa đọc. Liệu nhận xét đó có quá cực đoan không, thưa ông?
Có lẽ cũng hơi cực đoan. Nhưng tôi muốn nói không có văn hóa đọc ở khía cạnh chúng ta không chú trọng việc dạy cho các thế hệ trẻ cách đọc sách, chọn nội dung đọc và biết cách “tiêu hóa” kiến thức thu nhặt từ các cuốn sách. Văn hóa đọc phải được hình thành từ sự giáo dục trong gia đình và nhất là trong nhà trường. Nhưng trong suốt một thời gian dài, nhà trường ít chú trọng đến việc bồi dưỡng văn hóa đọc, ít khuyến khích các em tự học thông qua việc đọc sách. Trong khi, tự học là điều cần thiết và quan trọng, trải dài cả đời người. Chính giáo dục học đường ít chú trọng đến việc bồi dưỡng văn hóa đọc từ hàng chục năm trước cho đến tận bây giờ đã tạo nên những thế hệ công chúng tiếp nối nhau không có văn hóa đọc theo đúng nghĩa.
Theo cách nhìn nhận của ông, sự khuyết thiếu của văn hóa đọc có những ảnh hưởng sâu sắc nào tới sự phát triển văn hóa và tiến bộ xã hội?
Rõ ràng, nếu một con người từ nhỏ đến lớn chỉ bó rất hẹp trong những thứ gì nhà trường đưa ra, trong những giáo trình đi học đi thi, thì sẽ không biết nhiều đến những giá trị tinh thần văn hóa khác, cũng như phát triển nhiều loại trí khôn. Và một dân tộc cứ mãi mãi ở trong tình trạng như thế trước sau sẽ là dân tộc lạc hậu, dù biết đọc biết viết, dù giàu có đi chăng nữa.
Muốn thay đổi, ta cần phải tìm hiểu rõ căn nguyên dẫn đến tình trạng khuyết thiếu văn hóa đọc. Liệu có phải những biến động trong lịch sử hay những mặt trái trong ý thức hệ của chúng ta đã dẫn đến tình trạng này?
Không hoàn toàn như vậy. Theo tôi nghĩ, lỗi chủ yếu là do triết lý giáo dục. Từ triết lý giáo dục ảnh hưởng đến nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục. Trên thực tiễn, chúng ta đang có nền giáo dục chủ yếu là nhồi nhét kiến thức, cách học chủ yếu là học để đi thi, chứ không phải học như một nhu cầu tự thân, một hứng thú, bồi dưỡng cho mình những kiến thức, những hiểu biết về khoa học và văn hóa, nhằm tạo nên những con người có phương pháp suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo.
Suốt một thời gian dài, chúng ta đã ít chú trọng đến việc bồi dưỡng văn hóa đọc. Thay đổi điều đó có quá khó? Chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Đúng là rất khó. Trước hết chúng ta phải tiến hành cải cách giáo dục toàn diện, triệt để, và bắt đầu từ triết lý giáo dục, thể hiện qua nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Mặt khác giáo dục là hệ thống con trong toàn hệ thống lớn hiện nay. Về nguyên tắc phải cải cách hệ thống lớn thì hệ thống con mới theo đó mà cải cách được, nhưng những thay đổi trong hệ thống con cũng có thể ảnh hưởng ngược lại. Vì vậy tốt nhất nên tiến hành song song.
Việc đề xuất thành lập Nhà xuất bản Tri Thức là cách ông muốn góp phần vào hoạt động bồi dưỡng văn hóa đọc, hay xa hơn là mục đích nâng cao nền dân trí của dân tộc?
Tôi chọn tủ sách tinh hoa tri thức thế giới là dòng chủ yếu trong các sách công cụ, nghiên cứu của nhà xuất bản là bởi dạng sách này còn thiếu quá, ít quá. Bên cạnh tinh hoa tri thức thế giới có cả tinh hoa tri thức Việt Nam, chúng tôi đã cho những tác phẩm rất lớn từng bị bụi thời gian che khuất và bây giờ bắt đầu phát lộ. Những dòng sách rất khó bán, khó tiêu thụ và không có nhiều độc giả, nhưng chúng tôi không nhằm phục vụ đại trà mà chủ yếu nhằm vào là tầng lớp tinh hoa. Thế giới đã hình thành những tủ sách như thế, họ có ý thức phổ biến những tri thức từ cổ chí kim. Họ đã chuyển ngữ những tri thức tinh hoa sang tiếng bản địa để đa dạng hóa tri thức của dân tộc mình. Bởi lẽ đó, tôi kỳ vọng bằng cách tiếp nhận những tri thức tinh hoa của nhân loại, dân tộc mình có năng lực vươn kịp đến những đỉnh cao về giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của nhân loại, hơn nữa có khả năng đề kháng với những nọc độc về văn hóa, có khả năng giao lưu, đưa những tinh hoa của mình ra nước ngoài.
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Ngọc An
Bình luận (0)