Lễ tang GS Phùng Văn Tửu được cử hành từ 7 giờ - 7 giờ 50 ngày 16.3.2022 (tức ngày 14.2 năm Nhâm Dần) tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội; Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8 giờ cùng ngày. An táng tại Thiên Đức Vĩnh hằng viên, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
GS Phùng Văn Tửu sinh năm 1935 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội trong một gia đình nhà giáo. Cụ thân sinh là nhà giáo Phùng Văn Trinh, người thầy tôn kính được đặt tên đường tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Các anh chị em của thầy phần nhiều đều trưởng thành, trở thành những nhà giáo, kỹ sư, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng:
Gia đình thầy, tất cả các anh em trai đều mang tên Phùng Văn Tửu. Sinh thời, thầy kể cho tôi nghe một chuyện vui về việc trùng tên của anh em trai trong nhà: Khi thầy còn dạy trong khoa Văn trường ĐHSP Vinh (Nghệ An) thời kháng chiến chống Mỹ, hàng tháng gửi tiền lương về biếu mẹ ở quê. Ra bưu điện, thấy đề: Người gửi Phùng Văn Tửu - Người nhận Phùng Văn Tửu; bưu tá nhìn thầy tưởng mới trên cung trăng xuống. Thầy phải giải thích: “Nhà tôi tất cả anh em trai đều mang tên Phùng Văn Tửu”.
GS Phùng Văn Tửu (1935 – 2022) |
Tư liệu KMS |
Anh trai cả của thầy là GS Phùng Văn Tửu (1923-1997) nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII – IX (1987 – 1997), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (1993 – 1997)… Chị gái lớn của thầy là Thẩm phán Phùng Lê Trân (1921-2007), người được mệnh danh là “Bao Công Việt Nam” khi làm Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố trắng án cho nhà tình báo huyền thoại Tạ Đình Đề vào năm 1976...
Ngoài 70 tuổi, thầy vẫn lên lớp giảng bài cho sinh viên. Chắc rằng khó ai quên được hình ảnh một nhà sư phạm mẫu mực: chuông báo vào lớp đã thấy thầy đứng trước cửa phòng; khi thầy ngừng giảng, gấp giáo án lại cũng là lúc chuông báo hết giờ. Buổi học nào cũng vậy, không sai dù nửa phút.
Thầy cao tuổi nhưng tâm hồn trẻ trung, phong cách giảng bài trào phóng (houmor), luôn khuyến khích tinh thần phản biện khoa học cùng tư duy viết văn độc lập không lệ thuộc vào sách vở của sinh viên.
GS Phùng Văn Tửu (1935 – 2022) nguyên Phó trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài,là chuyên gia về Văn học Pháp (Rouseau, Hugo, Aragon...), về thi pháp Văn học Phương Tây. Năm 2005, cụm công trình "Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỷ 20" của thầy được Giải thưởng Nhà nước về KHCN.
“Em không bao giờ quên thầy là người đầu tiên nhắc chúng em xưng “tôi” để bình đẳng trong trao đổi, học tập. Dạy cả cách trình bày bảng, ghi chép trong quá trình học các chuyên đề văn học của thầy. Vĩnh biệt người thầy mẫu mực!”.
(Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Minh – Đài Truyền hình Việt Nam)
Bình luận (0)