Lương Đức Thiệp sinh vào thập niên đầu của thế kỷ 20, tại thôn Vệ Dương, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia hoạt động phong trào yêu nước từ sớm, khi còn ở tuổi vị thành niên.
KIỀU MAI SƠN |
Những năm 1936 - 1939, khi Mặt trận Bình dân tại Pháp lên cầm quyền, chính sách cai trị tại thuộc địa Đông Dương có nhiều thay đổi. Các phong trào đấu tranh xã hội của thanh niên trí thức sôi nổi. Một trong số đó là các hoạt động báo chí và xuất bản. Thống kê sơ bộ trên các tác phẩm ký tên Lương Đức Thiệp xuất bản từ năm 1941 - 1945, chúng tôi nhận thấy ông đã công bố sáng tác và biên khảo ở Nhà in Thụy Ký, Khuê Văn xuất bản cục, Đại học thư xã. Tác phẩm đầu tay in chung với Lê Trọng Quỹ là tập thơ Thực và mộng (1941); tiếp đó là các công trình nghiên cứu: Việt Nam thi ca luận (1942), Văn chương và xã hội (1944)… Đặc biệt, khi Lương Đức Thiệp tham gia nhóm Hàn Thuyên, các khảo luận của ông được in trên tờ Văn Mới (tạp chí khảo cứu): Xã hội Việt Nam (1944), Nghệ thuật thi ca (1945), Duy vật sử quan (1945)… Đó là chưa kể các tác phẩm in trên báo, tạp chí đương thời mà đến nay vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào thống kê một cách hệ thống, đầy đủ.
Công trình khởi đầu về “Việt Nam tính”
Trong các công trình của nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp, chuyên khảo Xã hội Việt Nam được đánh giá là công trình quan trọng và bề thế nhất của ông. Trong chuyên khảo này, Lương Đức Thiệp không từ chối sự ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa lên văn minh Việt Nam, song ông cho bạn đọc thấy đó chỉ là ảnh hưởng trên bề nổi; còn về chiều sâu, những phẩm chất Việt vẫn được giữ lại trong các sinh hoạt làng xã. Dựa trên cái nhìn tiến hóa luận về lịch sử văn hóa và chủ thuyết kinh tế quyết định của Karx Marx, nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp khẳng định dân tộc Việt Nam có lịch sử riêng, bản sắc riêng, có nền văn hóa độc lập với Trung Hoa, đó là “Việt Nam tính”.
TS Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) đánh giá Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp cùng với Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, La civilisation Annamite (Văn minh An Nam) của Nguyễn Văn Huyên, Connaissance du Vietnam (Hiểu biết về Việt Nam) của Maurice Durand và Pierre Huard, xét về tính thời điểm ra đời ở nửa đầu thế kỷ 20, “khi xã hội và văn hóa Việt Nam còn giữ được phần nhiều cuống nhau với truyền thống, nên vẫn có tính hấp dẫn cao hơn các tác phẩm cùng chủ đề ra đời sau này, khi truyền thống đã có quá nhiều xáo trộn”.
Bám sát thực tiễn
TS Mai Anh Tuấn - Đại học Văn hóa, chia sẻ: “Trong khi Thi nhân Việt Nam từ lâu được coi là một điển phạm phê bình thơ (đặc biệt là phê bình Thơ Mới) thì Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội của Lương Đức Thiệp gần như ít được nhắc đến… Tôi phải nhấn mạnh rằng các quan điểm, nhận định hay gợi mở đa dạng của Lương Đức Thiệp bám khá sát thực tiễn văn chương, xã hội Việt Nam. Nó không nhằm vào sự vừa lòng tất cả mà muốn tất cả nhìn sâu, nhìn rộng vấn đề. Do đó, Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội vừa cung cấp tri thức, vừa có khả năng thúc đẩy tri thức tưởng là sách vở ấy đi vào thực hành, gắn với đời sống”.
TS Mai Anh Tuấn nhấn mạnh: “Sẽ thật đơn điệu, thậm chí nhàm chán nếu cứ mãi xưng tụng Thi nhân Việt Nam mà không tìm biết các công trình khác cùng thời… Tựu trung, khảo cứu văn chương của Lương Đức Thiệp khích lệ chúng ta chủ động, tự mình thu thập, nhìn nhận phần văn học giai đoạn đầu thế kỷ 20 một cách tổng thể hơn”.
Một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa - xã hội Việt Nam đã ghi dấu ấn bằng các chuyên khảo áp dụng phương pháp xã hội học marxist ở nửa đầu thế kỷ 20, tiếc rằng, đã chìm lấp trong những màn sương mờ của lịch sử.
Bình luận (0)