Du ký trời Tây: Sứ đoàn Việt chụp ảnh giữa Paris

28/12/2021 06:30 GMT+7

Khi nhiếp ảnh chưa du nhập vào Việt Nam thì tại “xứ lục lăng” năm 1863, đoàn sứ bộ nước ta đã được Chính phủ Pháp mời chụp ảnh.

Lưu giữ chân dung tại Paris

Đến Pháp chưa lâu, ngày 19.9.1863 (ngày 7.8 âm lịch), đoàn sứ bộ Việt Nam được mời chụp ảnh. Tây hành nhật ký cho hay, do Hoàng đế nước chủ nhà muốn biết mặt sứ bộ, nên quan chức Paris do Hà Ba Lí (tức Aubaret, người dịch Gia Định thành thông chí, Hoàng Việt luật lệ ra tiếng Pháp) đại diện đã đến sứ quán thông tin cho sứ bộ chuẩn bị phẩm phục để sáng mai chụp ảnh. Theo lời Như Tây ký của Ngụy Khắc Đản thì “với người quen biết, họ thích chụp ảnh trao tặng nhau”… “hoặc với người mới quen thì cũng tặng ảnh như vậy gọi là làm chỉ dấu nhớ đến nhau”.

Ảnh chụp sứ đoàn Việt Nam tại Pháp

TƯ LIỆU

Ngày hôm sau dù buổi sáng mưa phùn nhưng sự cố thiên nhiên ấy không ảnh hưởng tới việc chụp hình. Bởi hoạt động chụp thực hiện ở trong phòng. Theo Phạm Phú Thứ thì đến khoảng giữa trưa khi trời hơi tạnh, các vị quan nước Nam mặc phẩm phục rồi lên nhà lầu lợp kính ngay nơi sứ bộ ở để chụp ảnh. Việc chụp ảnh được vị Phó sứ miêu tả tỉ mỉ.

Thợ chụp dùng nước thuốc xoa trên một tấm kính rồi đặt nó vào ống kính. Người được chụp đứng trước máy chụp, mặt hướng về ống kính. Ánh sáng mặt trời rọi vào ống kính khiến cho hình người được chụp in trên tấm kính. Ở lần chụp ngày 20.9, thợ chụp cho riêng từng người trong sứ đoàn. Và những bức ảnh này được lưu giữ đến nay với chân dung riêng của Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản. Không những thế, chân dung của nhiều thành viên trong đoàn cũng được chụp, trong đó có những người còn lưu danh tính như Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường… Trong bộ sưu tập của Terry Bennett, có 18 ảnh chân dung cá nhân được giới thiệu, nhưng số lượng thực tế còn nhiều hơn.

Ngày hôm sau dù trời lại có mưa phùn, việc chụp hình vẫn được tiếp tục. Lần này, “mấy người thợ chụp ảnh lại đến mời chúng tôi chụp chung một tấm ảnh nhỏ”, lời Phạm Phú Thứ cho biết. Dạng ảnh tập thể được Phạm Phú Thứ đề cập, trong sưu tập của Terry Bennett còn lưu lại 6 tấm với nhiều kiểu chụp khác nhau. Việc chụp ảnh cho sứ đoàn diễn ra trong hai ngày trên. Ngoài ra, có nhiều lần thợ chụp ảnh được quan chức nước chủ nhà đưa đến chụp và tặng cho đoàn. Tiền công chụp được nêu rõ là ảnh nhỏ có giá 1 quan, ảnh to có giá 4, 5 quan.

Không chỉ chụp ảnh tại Paris, theo Tây hành nhật ký, khi sứ bộ đến Madrid của Tây Ban Nha, ngày 16.11 sứ bộ cũng được mời vào hiệu ảnh nhà nước “để chụp ảnh chia đưa các vị quan của nước họ”.

Đến thăm sứ bộ, Michel Đức Chaigneau chụp ảnh

Dù trải qua 158 năm, nhưng những tấm ảnh chụp chân dung sứ bộ năm 1863 vẫn được lưu giữ với nước ảnh rất tốt. Tuy lần đầu được chụp hình, xem qua những tấm ảnh được lưu giữ, có thể thấy sự tự nhiên, phong thái ung dung của quan chức nước Nam trước ống kính máy ảnh. Điều này có thể thấy qua hình Bồi sứ Ngụy Khắc Đản được chụp cả ảnh ngồi và đứng; ảnh đứng chụp chính diện Trương Vĩnh Ký đúng với nhận định trong ấn phẩm của Richard Cortambert qua đặc điểm sống mũi hơi tẹt, đôi môi dày, gò má cao “nhưng vầng trán thì nét tuyệt diệu biểu lộ những thiên hướng triết lý đậm nét”. Ảnh của sứ bộ được chụp ngoài ảnh cá nhân, còn có ảnh đoàn. Trang phục thì lúc chụp thường phục, lúc chụp phẩm phục.

Xem nghiên cứu Early photography in Vietnam (Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam) của Terry Bennett, ảnh chân dung người Việt lần đầu được chụp vào năm 1857 do Fedor Jagor thực hiện, nhưng không rõ danh tính người được chụp. Phải ở lần chụp năm 1863 tại Pháp và Tây Ban Nha, danh tính của nhiều người Việt được chụp mới rõ ràng với những quan chức cấp cao cùng hai thông ngôn Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường.

Ảnh chụp sứ đoàn sau được đăng trên họa báo Illustration ngày 3.10.1863. Năm 1941 Bulletin des Etudes Indochinoises (Kỷ yếu nghiên cứu Đông Dương) số 2 bộ mới in lại. Hiện nay, những hình ảnh của sứ đoàn năm 1863 đã không còn khó tìm với giới nghiên cứu.

Một điểm đáng chú ý nữa là có cả hình chụp Michel Đức Chaigneau (1803 - 1894), tác giả sách Souvenirs de Hué (Hồi ức Huế). Ông là con trai quan đại thần Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, được phong Thắng Toàn hầu) người Pháp dưới triều Gia Long với người vợ Việt họ Hồ. Tây hành nhật ký cho biết Michel Đức Chaigneau lúc ấy tuổi đã 58, đang là nhân viên kho bạc Paris, đến thăm sứ bộ ngày 24.9.

Trong lần đến thăm và thưởng trà này, Michel Đức Chaigneau tỏ lòng nhớ nước Nam, khi biết tin sứ đoàn đến Pháp, đã chủ động tới thăm cho thỏa lòng nhớ. Dù theo cha về Pháp gần 40 năm, nhưng Michel Đức Chaigneau vẫn nói được tiếng Việt. Sau này trong Hồi ức Huế ông kể về quãng thời gian ở Huế cùng gia đình và những ấn tượng về Việt Nam, về cả chuyến trở về Pháp năm 1825 của gia đình. Sau này, ông còn vài lần đến thăm sứ bộ vào các ngày 7.10, 23.10… Dù trong Tây hành nhật ký, Phạm Phú Thứ không đề cập việc chụp hình khi ông thăm đoàn sứ bộ, nhưng Michel Đức Chaigneau cũng được chụp ảnh ở tư thế ngồi trong trang phục thuần Việt. Tấm ảnh này sau được đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (Những người bạn cố đô Huế) số 1.1923.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.