Chuyến du ký Trung kỳ thú vị của học giả Pháp

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
03/07/2021 05:59 GMT+7

Năm 1889, Camille Paris xuất bản cuốn sách Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine (Du ký Trung kỳ theo đường cái quan) tại NXB Ernest Leroux (Pháp), kể lại những trải nghiệm quý khi sống cùng người Việt .

Camille Paris đến Đông Dương phục vụ trong quân đoàn viễn chinh Bắc kỳ 1884 - 1885 và giai đoạn 1885 - 1887, ông chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ từ Huế đến Bình Thuận.
Những ghi chép và nghiên cứu của ông trong Du ký Trung kỳ theo đường cái quan (Nguyễn Thúy Yên dịch, Thư Books và NXB Hồng Đức - 2021) mang đến cho độc giả ngày nay nhiều thông tin thú vị về văn hóa - lịch sử, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần và tính cách của người Việt hơn 100 năm trước.

Phân chia giai cấp trong xã hội An Nam

Sự phân chia giai cấp trong xã hội An Nam được Camille Paris miêu tả qua sự việc nhìn thấy trên đường từ Thị Nại đi thành Bình Định, người tầng lớp thấp phải nép vào ruộng hay bụi tre để nhường đường cho người giàu có và quan lại đi qua.
Khi một người An Nam có người bề dưới đến nhà, họ giả đò như không nhìn thấy và hững hờ. Câu chuyện xảy ra tại nhà thông ngôn tên Phúc, một viên thư lại đến nhà để chơi đàn thập lục cho Phúc nghe, sau khi cúi lạy Phúc xong người thư lại liền đi thẳng đến ghế, ngồi với thế khúm núm, im lặng chờ đợi trong suốt 30 phút. Trong lúc đó, Phúc ngồi trò chuyện với Paris, Phúc bảo: “Ông thấy chưa, cái người này là kẻ dưới, tôi không chào và tôi làm thinh”. Ngược lại, khi người bề trên đến nhà, chủ nhà liền tỏ thái độ ân cần, vồn vã, mời khách ngồi, mời trà, rồi sau đó lom khom tiễn khách đến tận cửa…

Tranh khắc: Hình phạt roi mây

Một sự việc khác xảy ra ở La Vân (Quảng Ngãi), vị quan huyện tỏ ra tức giận trước sự hỗn xược của một tên cai người bản xứ trong đoàn tùy tùng của Paris. Paris đưa ra nhận xét đáng lưu ý rằng, sự phục tùng tận tụy mà những người An Nam đang làm với nước Pháp trước hết xuất phát tự nỗi sợ bị trừng phạt, khi né tránh được hình phạt, họ trở nên xấc xược như cách họ đã từng khúm núm. Mới chỉ 15 ngày trước, chính tên cai đó còn là cu li. Khi được mang súng trên vai thay vì mang vác hành lý, tên cai liền nghĩ mình có thể thoát mọi nghĩa vụ đối với quan lại bản địa, thậm chí cả với Paris trong sự việc này.
Ở Phú Lộc (Quảng Ngãi), Paris nhìn thấy những cu li vác thẻ tre dày đặc chữ viết truyền mệnh lệnh của quan trên chạy tới lui, “lệnh phải được thi hành ngay lập tức dù độc đoán thế nào, nếu lệnh bị hoãn mà không phải vì một quyền lực lớn hơn tác động, thì viên quan sẽ bị ăn đòn rồi mới giải trình sau” (tr. 210). Ở An Nam, đánh roi mây là hình phạt phổ biến dành cho tội phạm, “tôi đã chứng kiến […] chiếc roi mây đẫm máu và dính đầy những mảng da thịt bầm dập. Người ta đắp cao dán lên vết thương rồi vài hôm sau lại tiếp tục hình phạt, cho tới khi can phạm phải thú tội” (tr. 211). Roi mây còn được thực thi cả trong gia đình, nơi pháp đình và hoàng gia. Một người từ bé đến khi trưởng thành, thậm chí qua đời (tức chuyện vua Gia Long vừa giận vừa tiếc Lê Văn Quân, đích thân đến nơi Quân ở gào khóc, xong cầm roi đánh lên quan tài một trăm roi), có thể sẽ nhận những đòn roi khác nhau.
Chuyến du ký Trung kỳ thú vị của học giả Pháp

Tranh khắc: Các kiểu trang phục của người bản địa

Ảnh: tư liệu từ sách

Những ghi chép thú vị về dân tộc học

Tác phẩm còn có vài ghi chú dân tộc học thú vị khác: “Cuộc sống người An Nam hay ít ra của những người chúng tôi tuyển mộ là sự tồn tại của những người đàn ông và đàn bà, họ đến với nhau một cách tùy hứng rồi lại rời xa nhau sau những cuộc ái ân” (tr.180). Hoặc “đàn bà cần thiết cho đàn ông, trước hết là để nấu cơm cho họ. Một người lính sẽ không khom lưng nấu ăn. Tôi chứng kiến nhiều người trong số họ bất lực về sinh lý nhưng vẫn giữ lại những người phụ nữ khá xinh đẹp dường như cam chịu làm kẻ hầu hạ” (tr.181).
Theo chân Paris rong ruổi khắp các tỉnh thành Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, người đọc hôm nay như nhìn thấy sự tàn tạ của kinh đô Huế sau cuộc binh biến 5.7.1885, đời sống khốn khó của người dân nơi xảy ra chiến tranh cùng với dịch bệnh tràn lan, cảnh những nhóm người thiểu số (Mọi Đá Vách) bị đẩy lùi lên vùng cao, những người Việt kiên cường đấu tranh chống thực dân Pháp trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam như lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu khiến người Pháp bối rối, hay những tham vọng quyền lực và sự hợm hĩnh của tay sai người Việt (Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc) bán mình cho giặc, khinh rẻ tính mạng đồng bào... Paris cũng tường thuật qua về các trạm hải quan dọc đất Trung kỳ với nạn buôn lậu hàng hóa, thói nhũng loạn của quan lại, các thủ tục gây phiền hà cho thương nhân. Để đối phó, các chủ thuyền lựa đi ban đêm không đèn đuốc hoặc cải trang thành tàu đánh cá, cùng lắm là hối lộ cho đám quan lại…
Chuyến du ký Trung kỳ thú vị của học giả Pháp

Bìa sách Du ký Trung kỳ theo đường cái quan

Sau hơn hai năm thâm nhập đời sống của người bản xứ, Paris đã thống kê được các địa danh, tên làng (nhiều trong số đó đến nay không còn dấu vết hoặc cần phải xác tín) và các đơn vị hành chính trong khi làm việc cùng các lý trưởng và viên chức bản địa; vạch lại và khảo tả sinh động các dịch trạm trên đường thiên lý; thu thập vô số chi tiết về dân tộc học - những tài liệu “rất bổ ích cho người sau, những ai khao khát khám phá các thung lũng mà tôi mới chỉ biết sơ qua”. Đây là những đóng góp quan trọng của Paris cho giới nghiên cứu địa danh, làng xã, bản đồ học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.