Qua một số bàn bè thân hữu, danh ca Bạch Yến cho biết GS-TS Trần Quang Hải - chồng bà đã qua đời tại Limeil-Brévannes, Pháp vào rạng sáng 30.12 (giờ địa phương). Tang lễ được cử hành vào chiều 4.1.2022 (miễn phúng điếu), sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng.
Trước đó, kiến trúc sư Trần Quang Minh, em của GS Trần Quang Hải, thông tin sau thời gian điều trị nhiều bệnh nền: ung thư máu, tiểu đường, bệnh phổi, suy thận và nhiều lần đột quỵ; GS Trần Quang Hải qua đời tại tư gia khi đang ngủ. Theo ông Minh, “Gia đình tôi ở Việt Nam nhận tin từ Thuỷ Ngọc (em gái tôi cũng là em gái Trần Quang Hải tại Pháp) đã báo tin nhận từ bà Bạch Yến rằng ông Hải đã qua đời và nhờ báo cho gia đình biết tin”.
Sau khi ông Quang Minh thông báo tin buồn này (trên trang Facebook cá nhân), chiều 29.12, danh ca Bạch Yến (nay 79 tuổi), cho biết chồng bà chưa mất, chỉ là sức khỏe đang yếu.
GS Trần Quang Hải (1944-2021) |
oLga RRass |
Trong dịp Giáng sinh mới đây, những ai theo dõi trang Facebook cá nhân của GS Trần Quang Hải vẫn thấy ông đăng tải những video chúc mừng Giáng sinh do ông thể hiện bằng nhiều thứ tiếng và chơi đàn hạc của người Do Thái (Jew’s harp)...
GS Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM). Ông là bậc thầy thế giới về đồng song thanh, đàn môi, đàn muỗng và tiếp nối con đường phụng sự âm nhạc dân tộc Việt Nam của cha ông.
Năm 2017 GS.TS Trần Quang Hải trao tặng sách, băng đĩa tư liệu nghiên cứu âm nhạc của ông cho Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội.
Năm 2019, ông đã xuất bản 2 quyển sách gồm 50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam và Hát đồng song thanh tại Mỹ.
TS Mai Mỹ Duyên, môn sinh GS Trần Văn Khê, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Trần Văn Khê chia sẻ: "Cõi an lạc đã đón chân người. Tôi nhận tin buồn qua Zalo: GS.TS Trần Quang Hải tạ thế khi đang đọc bản thảo quyển sách của cha ông - GS.TS Trần Văn Khê. Tôi thấy nhói bên ngực trái, cảm giác như ai đang bóp trái tim mình. Cảm giác này đã có và đau nhiều hơn khi tôi đến Bệnh viện Gia Định thăm bác Khê những ngày cuối đời. Mặc dù tôi chỉ có 3 lần gặp anh nhưng ấn tượng về một giáo sư uyên bác mà bình dị, thân thiện và tràn đầy nhiệt huyết vẫn khắc đậm trong ký ức của tôi. Nó trở thành kỷ niệm đẹp đẽ đi cùng với tôi trên hành trình hoạt động âm nhạc cho đến bây giờ. Nhất là chuyến đi dự Ngày hội Di sản thế giới tổ chức ở Hội An năm 2014.
Hai anh em hào hứng khám phá Hội An trên những con phố nhỏ. Một bà bán hàng rong phát hiện ra anh khi chúng tôi sà xuống mua gói kẹo đậu phộng. Anh thoải mái và hào hứng trình diễn đàn môi ngay trên đường phố cho bà cụ thưởng thức. Anh chơi xong 2 bản dân ca Việt Nam rồi lấy trong túi ra 2 cái muỗng. Anh gõ từ chậm đến nhanh dần. Thoạt đầu nghe chỉ có 1 cái, sau 2 cái, 3 cái... và như hàng chục cái với âm thanh sôi động, tiết tấu biến hóa khôn lường. Mọi người kéo đến càng lúc càng đông. Anh kết thúc màn trình diễn để kịp về họp với ban tổ chức trong bao ánh mắt lưu luyến và khâm phục.
Vợ chồng GS Trần Quang Hải - danh ca Bạch Yến |
fbnv |
Cũng trong lần đó anh say sưa chia sẻ với chúng tôi về những nghiên cứu thể nghiệm của anh trong việc sử dụng đàn môi sẽ giúp người câm nói được. Nói là làm. Anh đặt cây đàn lên môi, dùng lực thổi kết hợp với điều khiển khẩu hình tương ứng với câu muốn nói. Tuy âm thanh phát ra như từ xa vọng về nhưng vẫn nghe được nội dung muốn nói. 'Tôi muốn ăn cơm'; 'Tôi từ Việt Nam tới'; 'Anh yêu em'...".
Bình luận (0)