NHÀ KHOA HỌC CÓ NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ NGÔN NGỮ HỌC TIẾP XÚC
GS-TS-NGND Bùi Khánh Thế được giới chuyên môn ghi nhận là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực ngôn ngữ học tiếp xúc, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (ngôn ngữ các tộc người) Việt Nam.
Trong cuộc đời giảng dạy và hoạt động khoa học của mình, thầy đã công bố các công trình khoa học tiêu biểu như: Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995; Từ điển Chăm - Việt (chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995; Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, 2001; Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, 2011; Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
Gần đây nhất, công trình Ngôn ngữ học tiếp xúc và vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam (NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, 2016) được giới thiệu nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của thầy. Cuốn sách là một chuyên luận tập hợp các bài viết của thầy về tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam. Vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam bắt đầu được quan tâm từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, các nội dung cơ sở lý luận hầu hết đều xuất phát từ các công trình nghiên cứu nước ngoài, chưa có một chuyên luận, một giáo trình chính thức nào được ra đời ngoại trừ các bài viết lẻ tẻ được công bố hoặc một vài kỷ yếu hội thảo có liên quan. Vì vậy, cuốn sách của thầy là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai có quan tâm đến lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực nghiên cứu mà thầy tâm đắc và dành rất nhiều tâm huyết trong những năm qua.
GS-TS-NGND Bùi Khánh Thế còn được biết đến là một trong những tham gia xây dựng các bộ từ điển đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Công việc này góp phần nhất định đến việc bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng như vào việc hoạch định chính sách ngôn ngữ nói chung. Không chỉ vậy, các đề tài nghiên cứu do thầy hướng dẫn liên quan đến việc bảo tồn, xây dựng các chính sách ngôn ngữ cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam cũng đã được triển khai.
NGƯỜI TIẾP ĐỘNG LỰC CHO HỌC TRÒ
Thầy được đồng nghiệp, học trò kính trọng không chỉ vì kiến thức uyên thâm mà còn vì thầy là người luôn chừng mực trong ứng xử, giữ thái độ hòa nhã với tất cả mọi người.
Học trò chúng tôi luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ thầy khi gặp những khó khăn trong công việc nghiên cứu để từ đó có thêm động lực để đi tiếp con đường của mình đã chọn. Khi làm việc với thầy, người học luôn được cảm thấy động viên, được nâng đỡ về tinh thần, để rồi có người từ một xuất phát thấp nhưng có thêm động lực để tiếp tục hoàn tất công việc còn dang dở của mình. Câu nói "Tôi cảm ơn anh chị đã cho tôi được học hỏi rất nhiều từ luận văn, luận án này" trong mỗi hội đồng bảo vệ khiến mọi người rất ấn tượng.
Thầy còn biết đến với tấm gương một nhà khoa học sống giản dị, thanh đạm và chừng mực. Chúng tôi may mắn được học hỏi từ thầy rất nhiều không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về tinh thần, thái độ nghiêm túc, khách quan trong khoa học.
Vài năm trước khi mất, thầy đã trao tặng cho Phòng tư liệu của Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) phần lớn sách vở, tư liệu quý hiếm mà thầy gom góp được trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy. Lật giở từng trang sách, đọc lại những ghi chú cẩn thận của thầy trên những trang giấy cũ, chúng tôi lại nhớ những lời chỉ dạy ân cần của thầy. Thầy để lại cho chúng tôi không chỉ là những cuốn sách, những tài liệu chuyên ngành mà còn để lại trong lòng người học cái tâm, cái cái tầm của một người thầy đối với học trò.
Thầy Bùi Khánh Thế là tấm gương về sự tự học, về sự tận tụy với ngôn ngữ học. Khi đã trở thành một nhà ngữ học uy tín, đã có vị trí nhất định trong lĩnh vực của mình, thì đối với các học trò, thầy vẫn giữ nguyên vẹn sự hồn nhiên, nồng nhiệt, đam mê với các vấn đề của ngôn ngữ học, để mang ra chia sẻ với học trò. Đó là ấn tượng sâu sắc của các thế hệ học trò chúng tôi về thầy.
GS-TS-NGND Bùi Khánh Thế, nguyên Bí thư Đảng úy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, đã từ trần ngày 1.4 tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).
GS-TS-NGND Bùi Khánh Thế sinh năm 1936 tại Bình Định, nhận bằng tiến sĩ ngữ văn tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1981, được công nhận chức danh giáo sư năm 2004, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2000.
Bình luận (0)