Trước thông tin dư luận xã hội bất ngờ về việc một nhà khoa học lớn trong giới hàn lâm “bắt tay” hợp tác với một doanh nghiệp trong nước, Giáo sư (GS) Vũ Hà Văn tủm tỉm cười, nói “đây cũng là một câu chuyện khá thú vị và bất ngờ với cả chính tôi”. Tuy nhiên, sau khi có một buổi trò chuyện với chủ tập đoàn, GS Văn nhận thấy đây chính là cơ hội để ông đóng góp cho sự phát triển của khoa học VN.
[VIDEO] Giáo sư Văn và tỉ phú Vượng muốn làm gì với Viện Big Data?
|
|
|
|
Tôi mong muốn có những đề tài viện theo đuổi trong vòng vài ba năm sẽ dẫn tới những sản phẩm hữu hình, có thể là công nghệ, hay máy móc, hay con người, nhưng phải hướng tới ứng dụng tương đối cụ thể, chứ không chỉ là bài báo
|
|
|
GS Vũ Hà Văn
|
|
|
GS Văn chia sẻ: “Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đội ngũ trí thức ở VN là một điều mà tôi và rất nhiều bè bạn, đã trăn trở dài. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi nói với anh Vượng (chủ tịch Tập đoàn Vingroup - PV) về việc thành lập một quỹ hỗ trợ nghiên cứu, mà qua đó mình có thể chủ động tài trợ cho các nhà khoa học với các dự án sáng tạo, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi vừa từ nước ngoài về, tránh cho họ việc vì vẫn đang lúng túng về cơ chế mà dần buông rơi kiến thức. Quỹ sẽ tài trợ rất mạnh mẽ những dự án có ích cho xã hội, qua đó tôi hy vọng nhà khoa học có cơ hội cống hiến hết mình. Anh Vượng đồng ý lập quỹ đó cùng với việc thành lập Viện Big Data”.
Hình mẫu hợp tác
Khi đề đạt cần có một quỹ như vậy, GS có đưa ra con số cụ thể là quỹ cần bao tiền không?
Tôi nói đến con số 100 tỉ, còn anh Vượng lại gợi ý con số 1.000 tỉ. Anh ấy hỏi tôi, 1.000 tỉ đồng cho mấy năm đầu có được không? Ở VN, 1.000 tỉ là một món tiền lớn. Còn trong nghiên cứu khoa học, số tiền này cần được sử dụng một cách rất thận trọng thì mới mang lại một lợi ích đáng kể. Ngay cả ở VN, các công trình nghìn tỉ hằng ngày lên báo là rất nhiều, chẳng hạn tôi đọc ở một chỗ nào đó xây 1 km đường đã tốn nghìn tỉ. Tài trợ khoa học của Chính phủ VN hằng năm cũng là nhiều nghìn tỉ. Còn tài trợ của chính phủ Mỹ, chưa tính các tổ chức tư nhân, là khoảng 170 tỉ USD.
Tôi nhận thấy đây là cơ hội rất tốt để mình tạo ra một mẫu hợp tác giữa doanh nghiệp và giới hàn lâm. Sự hợp tác này rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Nó mạnh mẽ và bền vững ở các nước phát triển, nhưng ở VN vẫn còn ở mức sơ khai. Đây là yếu tố quan trọng nhất tác động tới sự lựa chọn của tôi.
Có phải vì GS sống và làm việc trong môi trường ĐH Mỹ, nơi có truyền thống tư nhân đầu tư cho ĐH phi lợi nhuận mạnh, nên ông thấy có thể tin tưởng vào ước vọng phát triển khoa học nước nhà của một chủ doanh nghiệp?
Ở Mỹ việc một nhà doanh nghiệp tài trợ mấy chục triệu USD cho trường ĐH là điều thường xuyên diễn ra. Bản thân ghế GS của tôi tại ĐH Yale cũng mang tên một nhà tài trợ. Còn ở VN có được người tiên phong là tốt quá. Tôi hy vọng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ khoa học như vậy.
GS có e ngại những động thái bắt tay với giới hàn lâm của một tập đoàn cốt là để lôi kéo các “ngôi sao” khoa học về đầu quân cho mình, phục vụ cho chiến lược đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khoa học, giáo dục của tập đoàn đó?
Nếu một nhà đầu tư tìm mọi cách đem các khoa học gia quốc tế về VN để đầu tư cho khoa học hay giáo dục thì đó là điều tốt chứ sao! Đó cũng là cách làm của các viện nghiên cứu hay ĐH ở Mỹ. Kinh doanh trong lĩnh vực khoa học thì không thể mang tầm nhìn ngắn hạn, bởi lợi nhuận không thể tính bằng năm được mà phải tính bằng chục năm. Nếu chúng ta có những doanh nghiệp đầu tư với tầm nhìn dài hạn như vậy thì đó là điều hay. Với tôi, cứ có nhiều nhà khoa học giỏi làm việc ở VN là việc đáng mừng. Những người đó sẽ tương tác với toàn giới trí thức, với sinh viên của cả nước, chứ không chỉ với những người trong công ty của họ.
GS Vũ Hà Văn (giữa) và bố mẹ tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán Ảnh: Quý Hiên
|
Khi biết tin GS lãnh đạo Viện Big Data và quỹ phát triển khoa học của một tập đoàn doanh nghiệp, dư luận cũng bàn tán xôn xao. Họ nhắc đến những tiền lệ nhà khoa học xuất sắc, nhưng khi trở thành người quản lý hay nhà lãnh đạo thì trở thành người quản lý, nhà lãnh đạo tồi…
Cái đó thì đúng thôi. Chính anh Vượng nói với tôi như thế, nghề của anh ấy là quản lý, của tôi là nghiên cứu, hai việc rất khác nhau. Thuận lợi là trong tập đoàn mà tôi sẽ hợp tác, những người đứng đầu các ban đều là những nhà quản lý rất có kinh nghiệm, nên tôi sẽ có nhiều dịp để học hỏi, cũng là một việc thú vị. Ngay cả khi những người dưới mình là các nhà khoa học giỏi thì vẫn phải quản lý họ theo một phương pháp nào đó để họ làm việc theo một tiến trình nhất định.
Ưu tiên số 1 cho nghiên cứu ứng dụng
GS có e ngại trong quá trình làm việc, nhà khoa học và doanh nhân sẽ có những xung đột không? Nhà khoa học sẽ muốn theo đuổi những đề tài có ý nghĩa khoa học nhưng có thể những đề tài đó chưa chắc đã ứng dụng được ngay…
Thật ra bản thân tôi cũng muốn hướng vào các công trình có tính ứng dụng. Mình có nhiều viện nghiên cứu lý thuyết rồi, nhưng còn yếu ứng dụng. Ngay cả Viện Toán cao cấp (VIASM) bây giờ cũng rất coi trọng các lĩnh vực ứng dụng. Tập đoàn này có hệ sinh thái lớn nên là môi trường làm các đề tài ứng dụng rất tốt.
Tôi mong muốn có những đề tài viện theo đuổi trong vòng vài ba năm sẽ dẫn tới những sản phẩm hữu hình, có thể là công nghệ, hay máy móc, hay con người, nhưng phải hướng tới ứng dụng tương đối cụ thể, chứ không chỉ là bài báo.
GS Vũ Hà Văn (áo sẫm) với các sinh viên trong một buổi dạy của giáo sư tại Viện Toán - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN Ảnh: Quý Hiên
|
Khi hợp tác với chủ một tập đoàn lớn, GS có được nhiều sự tự do trong hoạt động của mình?
Trừ một số phương hướng dài hạn mà hiện chúng tôi vẫn đang bàn luận, các bước về kỹ thuật viện được chủ động. Hiện nay việc mời ai cộng tác, hướng tới các lĩnh vực nào, mua máy học thiết bị gì, được giao trực tiếp cho nhóm nghiên cứu. Sắp tới, khi thành lập hội đồng thẩm định xét đề tài để tài trợ từ quỹ, chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm, lựa chọn các thành viên.
Trong những năm tháng kiên trì góp sức cho cộng đồng khoa học trong nước bằng cách hè nào cũng về giảng dạy, hẳn GS không ngờ có ngày mình tạo bước ngoặt lớn cho cộng đồng khoa học trong nước. Khi cơ hội đến, cảm xúc của GS thế nào?
Thực sự tôi cũng trải qua 3 - 4 đêm mất ngủ. Câu hỏi đầu tiên là mình có nên làm việc này hay không, nhất là doanh nghiệp - nơi mình sắp hợp tác đã được nhiều người nói là môi trường áp lực, rất khác với môi trường làm việc của các trường ĐH bên Mỹ. Thứ hai là việc cũng rất phức tạp, cần nhiều thời gian sức lực, chả biết mình có kham nổi không. Rồi còn sự hy sinh của gia đình nữa.
Nghĩ đi nghĩ lại, thì việc dù khó, nhưng có sức lan tỏa, không lẽ không làm!
GS-TS Vũ Hà Văn sinh năm 1970. Ông học phổ thông tại trường Chu Văn An và Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội).
Năm 1994, tốt nghiệp ngành toán, ĐH Eotvos (Hungary).
Tháng 5.1998, nhận học vị tiến sĩ tại ĐH Yale (Mỹ).
Năm 2005, được phong GS tại ĐH California - San Diego và trở thành GS tại ĐH Rutgers vào tháng 12 cùng năm.
Năm 2008, Hiệp hội Toán học công nghệ và ứng dụng (Society for Industrial and Applied Mathematics - SIAM) tại Mỹ đã trao tặng giải thưởng toán học George Polya cho GS Vũ Hà Văn vì công trình về tập trung độ đo (concentration of measure).
Năm 2011, ông chuyển sang ĐH Yale (Mỹ).
|
Nhà toán học hàng đầu của chúng ta
Khi làm việc ở Viện John von Neumann của ĐH Quốc gia TP.HCM, tôi có nghe anh Vũ Hà Văn làm seminar về “Thuật toán ngẫu nhiên” với các thí dụ trong các hệ tư vấn. Tôi thật sự ấn tượng về những điều sâu sắc trong bài giảng của anh. Về sau có dịp làm một số việc chung tôi càng nhận thấy rõ điều này. Tôi biết anh Văn làm nhiều bài giảng ở Việt Nam giới thiệu về lĩnh vực anh làm, tiêu biểu là lý thuyết về các ma trận ngẫu nhiên, tổ hợp cộng tính và tổ hợp xác suất. Nói ngắn gọn thì đấy là những lĩnh vực hiện đại của toán học có tính ứng dụng cao và anh Văn nằm trong số những người hàng đầu thế giới làm về chúng
GS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, trước đây làm việc ở Viện Khoa học - Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST)
GS Văn sẽ là cầu nối hai bờ hàn lâm - doanh nghiệp
Anh Vũ Hà Văn là một trong những nhà toán học hiếm hoi, vừa có những công trình lý thuyết thuần túy rất sâu sắc, vừa gần gũi với chủ đề ứng dụng, tiêu biểu là các vấn đề liên quan đến dữ liệu lớn. Từ khi thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, anh Văn luôn sát cánh cùng chúng tôi và hỗ trợ viện một cách liên tục, bền bỉ ở vai trò thành viên hội đồng khoa học. Anh cũng thường xuyên tổ chức các nhóm nghiên cứu, giảng bài ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.
Tôi rất vui khi anh Văn nhận lời làm người đứng đầu một viện nghiên cứu do doanh nghiệp tư nhân tài trợ. Tôi hiểu rằng đây là một cơ hội rất lớn về nguồn lực cho những người nghiên cứu khoa học ứng dụng ở VN, nhưng đối với anh Văn, đây có thể là một thử thách lớn. Đây là một mô hình hoàn toàn mới ở VN. Tôi tin tưởng viện dữ liệu lớn và quỹ nghiên cứu mà anh Văn chịu trách nhiệm có thể trở thành một cái cầu chắc chắn nối hai cái bờ đó.
GS Ngô Bảo Châu(Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, GS ĐH Chicago)
|
Bình luận (0)