Giáo sư Đàm Thanh Sơn dự hội nghị vật lý quốc tế tại Quy Nhơn

16/07/2018 13:04 GMT+7

Giáo sư Đàm Thanh Sơn (Trường đại học Chicago, Mỹ) và nhiều nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Pháp, Mỹ… tham dự 2 hội nghị khoa học quốc tế diễn ra tại Trung tâm ICISE (Bình Định).

Sáng 16.7, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức khai mạc 2 hội nghị khoa học quốc tế về các chủ đề: “Các cách nhìn trong Pha Topo: từ Vật lý chất rắn đến Vật lý năng lượng cao” và “Biên giới của Vật lý Neutrinos” tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định).
Trong đó, hội nghị "Các cách nhìn trong Pha Topo: từ Vật lý chất rắn đến Vật lý năng lượng cao" diễn ra từ ngày 15 - 20.7 với sự tham dự của 34 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị này có sự tham gia của Giáo sư Đàm Thanh Sơn (người Mỹ gốc Việt, công tác tại Trường đại học Chicago, Mỹ).
Các đại biểu tham dự 2 hội nghị vật lý quốc tế tại ICISE ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo GS Đàm Thanh Sơn, hội nghị "Các cách nhìn trong Pha Topo: từ Vật lý chất rắn đến Vật lý năng lượng cao" sẽ tổng kết thực trạng gần nhất của lý thuyết các pha tô-pô, là lĩnh vực rất được quan tâm nghiên cứu trong hơn một thập kỷ gần đây.
Hội nghị sẽ trình bày và thảo luận về các chủ đề: Pha tô-pô tương quan mạnh và việc hiện thực hóa trong các hệ vật lý; các đối ngẫu mới trong lý thuyết trường thích hợp cho vật lý chất rắn và vật lý năng lượng cao; các tiến bộ gần đây trong hiệu ứng Hall lượng tử phân số;…
GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam), GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với ông Nguyễn Phi Long (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) ẢNH: HOÀNG TRỌNG
GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với GS Tsuyoshi Nakaya (Đại học Kyoto, Nhật Bản) ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Hội nghị Quốc tế về "Biên giới của Vật lý Neutrinos" diễn ra từ ngày 15 - 21.7 với sự tham giá của 45 nhà khoa học đến từ 19 quốc gia trên thế giới.
Theo GS Tsuyoshi Nakaya (Đại học Kyoto, Nhật Bản), Hội nghị "Biên giới của Vật lý Neutrinos" sẽ đem đến cái nhìn toàn cảnh về vật lý neutrino đương đại và tầm nhìn cho sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai, với những tác động quan trọng của nó tới lĩnh vực vật lý hạt, vật lý thiên văn, vũ trụ học và vật lý hạt nhân. Hội nghị chuyên đề này là một nỗ lực để đưa các nhà khoa học lại gần nhau hơn và thúc đẩy các hợp tác đa quốc gia để nghiên cứu các chân trời khoa học mới này, đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.