Sáng 17.7, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (ở Pháp) và UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ thành lập nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam tại Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE, thuộc ICISE).
Tại buổi lễ, Hội Gặp gỡ Việt Nam và nhóm 4 giáo sư Nhật Bản làm trong lĩnh vực Neutrino (gọi tắt là NOMS group) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Các giáo sư Nhật Bản tham gia NOMS group gồm: Tsuyoshi Nakaya (Khoa Vật lý và Thiên văn học, Đại học Kyoto), Yuichi Oyama (Viện nghiên cứu hạt nhân và hạt cơ bản, Trung tâm Vật lý năng lượng cao KEK), Makoto Miura (Viện nghiên cứu về tia vũ trụ, Đại học Tokyo), Atsumu Suzuki (Đại học Kobe).
Theo biên bản hợp tác, NOMS group sẽ cố vấn cho nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam làm việc trong các hợp tác quốc tế về vật lý neutrino, giúp IFIRSE đào tạo nhân lực cho nhóm nghiên cứu bằng cách phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức hằng năm các hội nghị và hội thảo quốc tế, các khóa đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực vật lý neutrino, tạo điều kiện cho các thành viên của nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam sử dụng các cơ sở vật chất trong thời gian ở Nhật Bản để phục vụ cho công việc nghiên cứu...
Nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam sẽ do GS Tsuyoshi Nakaya làm trưởng nhóm, TS Nguyễn Thị Hồng Vân (trực thuộc IFIRSE) làm phó trưởng nhóm.
Nhóm còn có 5 thành viên khác, gồm: GS Makoto Miura, GS Yuichi Oyama, GS Atsumu Suzuki, TS Cao Văn Sơn (nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Vật lý năng lượng cao KEK), TS Lê Phước Trung (nghiên cứu sau tiến sĩ, Đại học Tufts, Mỹ).
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Vân, lớp học mùa hè netrino đang diễn ra ICISE, do các thành viên của nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam của IFIRSE tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Gặp gỡ Việt Nam, nhằm mục đích giới thiệu neutrino đến sinh viên và các nhà khoa học trẻ Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được 2 sinh viên Việt Nam tham gia nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam từ mùa thu năm nay. Các bạn sinh viên của nhóm sẽ trực tiếp làm việc với các thí nghiệm quốc tế được đặt ở Nhật Bản dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Nhật Bản”, TS Hồng Vân cho biết.
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết trong thời gian đầu, khoảng 3-5 năm, công việc của nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào phân tích số liệu thực nghiệm và tham gia các chương trình mô phỏng thí nghiệm. Kế hoạch xa hơn, nhóm sẽ mở rộng số lượng thành viên và xây dựng phòng thí nghiệm cùng với các máy đo được đặt ở Trung tâm ICISE. Mục tiêu là trong vòng 5-10 năm, Việt Nam sẽ có một nhóm hoạt động độc lập, bao gồm các nhà vật lý trong nước và các nhà vật lý nước ngoài, tham gia vào các thí nghiệm lớn trên thế giới.
Sau lễ ra mắt Nhóm Neutrino Việt Nam ở IFIRSE, Hội Gặp gỡ Việt Nam tiếp tục tổ chức khai mạc Hội nghị vật lý về neutrino do GS Francois Vannucci (công tác tại Đại học H Paris 7, Pháp) chủ trì. Hội nghị này có 20 nhà khoa học đến từ 20 quốc gia trên thế giới tham dự.
tin liên quan
Nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2015 đến Bình ĐịnhGiáo sư Takaaki Kajita (người Nhật Bản) và GS David Jonathan Gross (Nobel vật lý năm 2004) đã có mặt tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) để tham dự Hội nghị PAACOS do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.
Nghiên cứu neutrino cùng với giáo sư đã đoạt giải Nobel
GS Tsuyoshi Nakaya, Trưởng nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam tại IFIRSE, hiện là người phát ngôn của thí nghiệm T2K (thí nghiệm nghiên cứu neutrino ở Nhật Bản) và đồng thời cũng là Chủ tịch của Ban chỉ đạo của thí nghiệm Hyper-Kamiokande (những thí nghiệm quốc tế lớn đóng tại Nhật Bản). Theo GS Tsuyoshi Nakaya, neutrino có khối lượng lần đầu tiên được phát hiện bởi một thí nghiệm ở Nhật Bản có tên là Super-Kamiokande vào năm 1998. Cùng với phát hiện này, GS Takaaki Kajita đã đạt giải Nobel Vật lý năm 2015. Hiện GS Tsuyoshi Nakaya đang cùng làm việc với GS Kajita trong các nghiên cứu về neutrino. “Nhóm Neutrino Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu neutrino trong các chương trình hợp tác quốc tế. Nhóm sẽ sớm gia nhập thí nghiệm Super-Kamiokande, T2K và cả dự án Hyper-Kamiokande. Tôi tin rằng các hoạt động của nhóm Neutrino Việt Nam sẽ tốt cho các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học Nhật Bản. Thật sự tôi rất phấn chấn khi thấy rằng các sinh viên Việt Nam và Nhật bản sẽ cùng giải quyết những vấn đề chung trong thế giới của chúng ta”, GS Tsuyoshi Nakaya nói. |
Bình luận (0)