Đó chỉ là một trong rất nhiều kỹ thuật, dấu ấn mà ngành y tế nói chung và các BV thực hiện được thời gian qua. Một bác sĩ từng nói, cứ hễ thế giới có kỹ thuật nào thì VN cũng tiếp cận và áp dụng kỹ thuật đó cho bệnh nhân của mình. Có thể kể trong ngoại khoa từ mổ mở đến mổ nội soi và phát triển cao hơn là mổ bằng robot; các kỹ thuật vi phẫu tạo hình phức tạp nhưng đầy tinh tế; các kỹ thuật cao trong mổ có hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo như mổ thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, lựa chọn phôi… tiến tới những kỹ thuật không cần dao kéo mà can thiệp nội mạch chữa trị những tổn thương trong cơ thể, hoặc vừa mổ vừa can thiệp nội mạch. Cùng với đó là những kỹ thuật nội khoa, hồi sức chuyên sâu; các thuốc mới, thuốc trúng đích trong điều trị ung thư… cũng được áp dụng.
Trong bối cảnh ngành y tế những năm qua gặp nhiều khó khăn, sự thiếu thốn về thuốc, trang thiết bị, thu nhập và cả chính sách… nhưng đội ngũ nhân viên y tế đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp cứu người. Điều đáng ghi nhận là có nhiều y, bác sĩ đã dám nghĩ, dám làm vì bệnh nhân được xã hội thừa nhận.
Bệnh tật là điều không ai mong muốn, nhưng cuộc đời mỗi người chắc cũng khó tránh những lần nhập viện. Lúc này, tiền của dù có bao nhiêu cũng không vui bằng sự quan tâm chăm sóc, một lời hỏi thăm, một cái nắm tay, một ánh mắt trìu mến và một nụ cười thân thiện của y, bác sĩ. Vì vậy, từ xưa ông bà ta đã nói "lương y như từ mẫu" hay "thầy thuốc như mẹ hiền" là vậy.
Sự phát triển của ngành y tế cũng gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội. Y, bác sĩ cũng quay cuồng với cuộc sống, với gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền… Nhưng, dù thế nào đi nữa, xã hội vẫn tin tưởng tuyệt đối vào y đức của đội ngũ y, bác sĩ, gửi gắm sức khỏe và cả tính mạng của mình cho các lương y.
Bình luận (0)