Gùi muối nuôi voi rừng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
26/03/2023 07:03 GMT+7

Để níu chân đàn voi rừng không ra khu dân cư phá hoại, một "biệt đội" được thành lập, hằng tháng có nhiệm vụ gùi muối vào rừng để… chăm voi.

"Lên đường!", sau tiếng hô của đội trưởng Đặng Đình Việt, 8 thành viên "biệt đội" bảo vệ voi rừng ở xã Phúc Sơn (H.Anh Sơn, Nghệ An) đã nai nịt xong ba lô chứa gạo, thực phẩm, tư trang và hơn 100 kg muối, bắt đầu xuất phát. Hành trình của đội là chạy xe máy khoảng hơn 10 km đường rừng rồi bỏ xe lại đi bộ. Mỗi chuyến đi tuần voi mất 3 ngày.

Mỗi tháng, "biệt đội" này đi rừng một lần nhằm xác định vị trí đàn voi đang sinh sống và quy luật di chuyển của chúng để về cảnh báo cho người dân né tránh khi vào rừng hái măng. Khi xác định được đàn voi hoặc dấu vết của chúng, các thành viên của đội chia thành từng tốp, lấy các bao muối mang theo chôn xuống đất, dùng que chọc thủng bao để voi phát hiện. Các vị trí đặt muối cũng rất xa nhau. Khi phát hiện ra muối, voi sẽ ủi đất để tìm ăn.

Gùi muối nuôi voi rừng - Ảnh 1.

Voi rừng ở xã Phúc Sơn (H.Anh Sơn, Nghệ An), thuộc Vườn quốc gia Pù Mát

P.M

"Chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh tiếp muối cho voi thì chúng sẽ không ra khu dân cư tìm muối ăn và quậy phá, nhưng từ năm 2020 đến nay, khi chúng tôi làm thử nghiệm thì thấy rất có hiệu quả, voi ít ra bản làng hơn", đội trưởng Việt cho hay.

Sau những lần tuần rừng, kiểm tra số bao muối đã chôn trước đó, các thành viên của "biệt đội" phát hiện hầu hết các bao muối bị bới lên, xung quanh có rất nhiều dấu chân voi, chứng tỏ voi cần muối.

Bảo vệ voi đàn

Hàng chục năm sinh sống ở vùng Cao Vều, thuộc địa thế rừng núi như lòng bàn tay, anh Việt hiểu rất rõ đặc tính của đàn voi rừng này. Anh kể: "Đàn voi này có 7 con, mới sinh thêm 2 con nữa là 9. Hồi trước, voi thường tới phá lán của người dân dựng trong rừng để tìm muối, nên chúng tôi nghĩ chúng rất cần muối ăn".

Năm 2011, người dân phát hiện xác một con voi đực trưởng thành thuộc đàn voi rừng này bị cưa ngà ở khe Đá Bạc, giáp ranh giữa xã Phúc Sơn và xã Thanh Đức. Từ đó, đàn voi trở nên hung dữ, đã quật chết 2 người đang ngủ trong lán rừng và đến tận một nhà dân ở thôn Bãi Lim quậy phá, giật đổ nhà bếp, quật một người dân gãy chân và xương sườn.

Gùi muối nuôi voi rừng - Ảnh 2.

Voi rừng ở xã Phúc Sơn

P.M

Gùi muối nuôi voi rừng - Ảnh 3.

Bảng cảnh báo voi rừng ở tỉnh lộ 534C (xã Phúc Sơn)

K.HOAN

"Sau khi mất con voi đực trưởng thành, đàn voi trở nên rất hung dữ, nhất là con voi cái đầu đàn. Từ đó, người dân đi rừng rất ít khi dám ngủ lại vì sợ voi. Tổ chúng tôi đi tuần và bỏ muối cũng luôn phải dè chừng, không dám đến gần khi phát hiện chúng. Ban đêm, phải tìm vị trí an toàn, voi không thể tiếp cận mới dám làm lán ngủ lại", anh Việt kể và cho biết thêm voi cũng thường kéo nhau về lúc đêm khuya nên người dân rất sợ bị tấn công. Chúng ăn, phá cây trồng, lán trại của người dân. Lực lượng chức năng và người dân phải đốt lửa, dùng loa, gõ xoong chảo gây tiếng động lớn để xua đuổi; nhiều hôm phải đuổi suốt đêm, đến sáng sớm hôm sau chúng mới rời đi.

"Biệt đội" cảnh báo voi rừng và bảo vệ voi do Ban Quản lý Vườn quốc gia Pù Mát thành lập từ năm 2018. Các thành viên gồm người dân địa phương sinh sống ở các bản nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát và nhân viên của vườn. Không chỉ tuần tra, khi voi rừng về bản, các thành viên trong đội có nhiệm vụ dùng loa, đuốc và gây tiếng động để xua đuổi voi trở lại rừng. Trách nhiệm khá nặng nề, nhưng một tháng mỗi thành viên chỉ nhận được thù lao 1 triệu đồng. "Thù lao không đáng là bao, nhưng chúng tôi vẫn rất tâm huyết vì muốn bảo vệ đàn voi và hạn chế thiệt hại khi voi rừng ra quậy phá", anh Đặng Đình Lâm, một thành viên của đội, nói.

Gùi muối nuôi voi rừng - Ảnh 4.

Mang muối vào rừng cho voi

K.HOAN

Lo cho những con voi đơn độc

Nghệ An hiện còn 5 đàn voi rừng với số lượng khoảng 14-16 con, trong đó có đến 3 đàn đơn lẻ, mỗi đàn chỉ còn một con voi cái (ở các khu rừng thuộc huyện Con Cuông, Quỳ Hợp và Quỳ Châu). Tại H.Quỳ Châu, từ nhiều năm qua còn sót lại một voi mẹ và một voi con khoảng 30 năm tuổi. Sau khi voi mẹ chết giữa rừng vào ngày 16.2 vừa qua, hiện chỉ còn voi con sống đơn độc. Trước đó, từ tháng 10.2022, con voi này xuất hiện liên tục ở sát bản Đôm 2, xã Châu Phong để kiếm ăn, nhưng hơn 1 tháng nay, từ sau khi voi mẹ chết, người dân không còn thấy nó xuất hiện. Những con voi đơn lẻ này (sống cách nhau từ 30-40 km) từ vài ba năm trở lại đây liên tục tìm đến nhà dân ở ven rừng để kiếm thức ăn và quậy phá, giẫm nát cây trồng khiến chính quyền và người dân rất lo lắng.

Bà Lương Thị Hoa (ngụ bản Đình, xã Châu Khê, H.Con Cuông) kể cách đây ít tháng, bà phát hiện con trâu đực của gia đình thả ở bìa rừng bị mất liền nhờ hàng xóm đi tìm. Vào rừng, một người phát hiện con trâu đang đứng cạnh một con voi rừng, liền chạy về báo tin. Người dân sau đó kéo đến, thấy con voi này đang giữ không cho trâu đi. Mấy tiếng đồng hồ sau, con voi mới chịu rời đi để bà Hoa đưa trâu về. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, cho biết đây là con voi cái sống đơn độc hơn 20 năm nay ở khu vực này sau khi con voi đực bị giết năm 1996. Con voi này đang độ tuổi sinh sản. Vào mùa động dục, vì không có con đực nên con voi này trở nên hung dữ và thường ra gần khu dân cư tìm đàn trâu của người dân để… làm bạn. Hết thời gian động dục, nó lại trở nên khá hiền.

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án bảo tồn voi rừng với kinh phí 86 tỉ đồng do Vườn quốc gia Pù Mát làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư mới chỉ nhận được hơn 20 tỉ đồng để xây 5 km bờ hào ở xã Phúc Sơn để ngăn voi xuống bản, làm đường tuần tra, xây chòi canh voi, trạm dừng chân cho lực lượng tuần tra. Ông Trần Xuân Cường cho biết trong các phương án bảo tồn 3 cá thể voi sống đơn lẻ ở 3 huyện nói trên, có phương án di dời nhập đàn để chúng có thể sinh đẻ, duy trì nòi giống, nhưng ít khả thi vì khu vực voi đang sinh sống có địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, cây rừng dày đặc nên rất khó để di chuyển voi sau khi bắn thuốc mê. Chưa kể vùng sinh cảnh mới có phù hợp cho voi sinh sống sau di dời hay không thì chưa có chuyên gia nào dám khẳng định.

Theo ông Cường, phương án khả dĩ nhất hiện nay để bảo vệ voi là hỗ trợ để người dân sống chung an toàn với voi rừng, bảo vệ vùng sinh cảnh của voi để chúng có đủ thức ăn và môi trường sống, hỗ trợ để người dân sinh sống trong vùng có voi rừng chuyển đổi cây trồng phù hợp để voi không ăn, phá hoại. Tuy nhiên, phương án này chỉ bảo vệ được đàn voi ở Pù Mát, còn 3 con voi cái đang sống đơn lẻ ở 3 vị trí cách xa nhau không thể duy trì nòi giống vì thiếu voi đực và những cánh rừng này rồi sẽ hết bóng voi sau khi chúng chết.

Tại Vườn quốc gia Pù Mát từng ghi nhận có 2 đàn voi sinh sống, gồm đàn voi 8 con ở xã Phúc Sơn và đàn 4 con sống trong vùng lõi của vườn. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay chỉ còn đàn voi ở xã Phúc Sơn, đàn voi 4 con ở vùng lõi không còn được ghi nhận và theo nhận định của các nhà chuyên môn, có khả năng đàn voi này đã di chuyển đi nơi khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.