Gửi người thương: Ba, con thương ba rất nhiều!

08/05/2023 14:31 GMT+7

Năm tháng dần trôi, ba ngày càng già đi. Tôi không đoán định được rằng còn được bên ba bao lâu nữa. Chỉ biết chính xác một điều, là tôi thương ba rất nhiều!

1. Năm lớp 4, tôi thi kể chuyện cấp huyện. Đạt giải nên được tập luyện thi cấp tỉnh. Ngoài thời gian được các thầy ở Phòng Giáo dục huyện hướng dẫn, tôi được ba bày, chỉ thêm.

Cứ đêm đến, sau bữa ăn, tôi tập tành kể chuyện, ba nhìn để chỉnh sửa từng điệu bộ, cử chỉ, cách nhấn nhá, chuyển tải lời thoại của từng nhân vật.

Ba là giáo viên, vốn dĩ uy nghiêm. Và càng uy nghiêm hơn trong những lúc ấy. Cứ sau mỗi động tác di chuyển sai, giả giọng nhân vật chưa vừa ý ba, ba cau có, la rầy, thậm chí quát to, mắng chửi. Tôi sợ. Tôi có cảm giác, dường như ba chẳng thương tôi...

Nhóm đi thi cấp tỉnh hầu hết là các học sinh ở thị trấn. Duy nhất chỉ có tôi ở dưới xã. Vào đến nơi lưu trú trong thị xã, tôi chạnh lòng, vì những học sinh khác có ba mẹ đi cùng. Trước ngày thi, các bạn được dẫn đi siêu thị, đãi những món ngon, dắt đi chơi khắp nơi... Chỉ mình tôi bơ vơ. Ba má bận việc dạy và công việc đồng áng ở quê cách 30km không thể vào cùng tôi được.

Tôi nhớ sáng buổi thi hôm đó. Sau khi thể hiện xong tài năng, tôi bất giác nhìn ra phía cửa chính của hội trường. Ba đang đứng đó, nép vào cửa, chăm chú nhìn tôi với ánh mắt tràn đầy yêu thương. Các bạn cùng nhóm kể lại, rằng ba đã đến từ rất sớm, nhưng không để tôi biết, không cho tôi thấy. Ba sợ tôi bị ảnh hưởng tâm lý bởi những lần ba đã la khi tập luyện. Ba chọn cho mình một góc ngoài cửa nhìn vào, dán mắt dõi theo. Ba chắp tay cầu mong cho tôi không bị "bể dĩa", quên câu chuyện giữa chừng trên sâu khấu. Ba tươi cười, vỡ òa hạnh phúc khi thấy tôi hoàn thành phần thi...

Tôi phải ở lại cùng đoàn để dự tổng kết cuộc thi. Còn ba phải về với công việc ở nhà. Giữa trưa, ba chạy chiếc xe 67 cũ kỹ, rách mềm ra về trong cái nhìn thân thương của đứa con trai 10 tuổi...

Gởi người thương: Ba, con thương ba rất nhiều! - Ảnh 1.

Tác giả và ba

X.P

2. Tôi bị tim bẩm sinh từ lúc lọt lòng. Năm lớp 9, buộc phải phẫu thuật để vá tim. Chi phí phẫu thuật lên đến cả trăm triệu đồng. Những năm 2002, 2003, chi phí ấy là cả gia tài với người dân ở quê. Nhất là với những gia đình sinh sống bằng nghề nông cùng với đồng lương giáo viên ít ỏi như ba má tôi.

Thời gian đó, ba má lục đục, cãi vã thường xuyên. Đôi khi tôi cũng là nạn nhân của những lần ba "nổi trận lôi đình" dù bản thân chẳng làm gì sai. Khi đó, cảm giác của năm 10 tuổi lại hiện về. Dường như ba chẳng thương tôi...

Ca phẫu thuật thành công. Tôi được sống. Sau ngày phẫu thuật, tôi nghe người nhà các bệnh nhân nằm cùng tôi ở Bệnh viện Trung ương Huế kể lại chuyện. Rằng có người đàn ông rặt giọng Quảng, trước đêm con trai ông phẫu thuật, ông đã liên tục lẩm bẩm cầu mong được phù hộ cho ca phẫu thuật thành công. Lúc con trai ông nằm trên bàn mổ đối diện lằn ranh sinh tử, ông đã bật khóc. Ông trải lòng rằng ông sao cũng được, chỉ mong con trai ông được sống. Giây phút đợi bác sĩ báo tin, ông đứng ngồi không yên, thất thần đợi tin con... Và đó là ba tôi.

Những ngày dưỡng bệnh, má kể, suốt hơn hai năm trời, kể từ khi thấy sức khỏe tôi giảm sút và có chiều hướng xấu, ba đã lao tâm khổ tứ rất nhiều. Ba sợ tôi mãi mãi rời xa gia đình. Biết việc phẫu thuật là cứu cánh duy nhất duy trì sự sống của tôi, ba đã chạy vạy, xoay sở khắp nơi để "bằng mọi giá phải có tiền mổ tim cho con". Những lần áp lực tiền bạc và sự lo lắng cho mạng sống của tôi đã khiến ba rối trí. Ba nặng lòng, bất lực khi thấy tôi đau đớn... Tất cả là nguồn cơn của những lần ba má lục đục, cãi vã nhau.

Năm đó, tôi 15 tuổi...

Gởi người thương: Ba, con thương ba rất nhiều! - Ảnh 2.

Dù bề ngoài, có thể ba là người đàn ông gai góc... nhưng bên trong ba thật sự ấm áp

X.P

3. Dẫu tôi vẫn nhớ như in cái lần ba đứng thấp thỏm nhìn tôi thi kể chuyện đằng sau cánh cửa. Nhưng ngày đó, trong tâm trí của đứa trẻ 10 tuổi ngây thơ, non nớt, chuyện ấy không để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Chỉ khi lớn lên, tôi mới nhận ra đó là khoảnh khắc đáng sống đầu tiên của cuộc đời. Vì giúp tôi biết được tình yêu thương bao la ba đã dành cho tôi.

Khi tôi là thiếu niên 15 tuổi. Với những câu chuyện xúc động tôi được nghe má, nghe những người xa lạ... kể lại. Khi ba đã lo lắng cùng cực giai đoạn tôi phẫu thuật tim. Tôi xem đó lại là một khoảnh khắc đáng sống nữa mà tôi may mắn nhận được.

Tôi lên THPT, vào đại học, đi làm,... cũng có những lần hai ba con không vừa ý nhau, ba trách cứ, mắng la tôi vô cớ, tôi cũng muốn cãi lại... Nhưng mỗi lần như thế, hai khoảnh khắc kia lại hiện về trong tâm trí, giúp "kiềm" lại cái tôi bốc đồng của tôi, giúp tôi xua tan đi khó chịu, bực dọc.

Càng lớn, tôi càng hiểu, rằng sau những lời la rầy của ba như năm tôi 10 tuổi, cũng là vì ba mong tôi được tốt hơn. Tốt hơn không chỉ trong bài thi kể chuyện năm ấy, mà tốt hơn trong cả những ngóc ngách cuộc sống sau này.

Tôi nhận ra, dù bề ngoài, có thể ba là một người đàn ông xù xì, gai góc, cục cằn, "ăn cục, nói hòn"... Nhưng bên trong, ba thật sự ấm áp.

Tôi cũng hiểu, cái cảm giác xưa cũ ngày trước, "dường như ba chẳng thương tôi", là sai hoàn toàn. Ngược lại, ẩn chứa trong người đàn ông uy nghiêm ấy, là tình yêu thương dành cho tôi vô bờ.

Tôi đã thấy ba từng nép mình vào cánh cửa để nhìn tôi thi kể chuyện. Và tôi biết, ba sẽ luôn động viên, dõi theo tôi trên suốt hành trình trong cuộc đời này.

Thoạt nghĩ, hai khoảnh khắc đáng sống ấy, cũng chính là những khoảnh khắc thật sự đáng nhớ, không bao giờ quên được. Vì dạy cho tôi bài học "làm ba". Có thể ba không thể hiện nhiều, nhưng luôn luôn dành những gì yêu thương nhất cho con mình.

Lúc này, tôi muốn nói với ba, rằng: "Ba, con thương ba rất nhiều!".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.