Hà Lan - Bỉ: Những kẻ ngoài cuộc

02/12/2010 14:59 GMT+7

(TNO) Hà Lan và Bỉ từng tổ chức thành công EURO cách đây một thập niên song FIFA không mấy tin tưởng việc họ có thể đăng cai thành công một vòng chung kết World Cup... >> Nga trông cậy vào quyền năng của Putin >>Truyền thông làm hại quê hương bóng đá >> Đồng đăng cai làm hại Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha

Phái đoàn của Hà Lan và Bỉ xuất phát đến trụ sở FIFA - Ảnh: Reuters

(TNO) Hà Lan và Bỉ từng tổ chức thành công EURO cách đây một thập niên song FIFA không mấy tin tưởng việc họ có thể đăng cai thành công một vòng chung kết World Cup...

>> Nga trông cậy vào quyền năng của Putin
>>Truyền thông làm hại quê hương bóng đá
>> Đồng đăng cai làm hại Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha

Tuy chỉ là hai quốc gia nhỏ ở châu Âu, nhưng Hà Lan và Bỉ vốn có mối quan hệ lịch sử lâu dài, lưu hành chung tiền tệ và chung biên giới. Tổng diện tích của cả hai chỉ gần bằng một nửa so với đối thủ Anh.

Đội ngũ đăng cai của hai nước tin rằng lời hứa về một kỳ World Cup gắn kết sẽ đem lại lợi thế lớn cho họ. Diện tích bé nhỏ của hai quốc gia cho phép người hâm mộ có thể xem với tần suất một trận đấu trong một ngày do khoảng cách di chuyển xa nhất giữa các sân vận động ít hơn 400 km. Hà Lan và Bỉ cũng hứa hẹn về một kỳ World Cup xanh.

Chiến dịch của hai nước là một bài kiểm tra cho FIFA về thiện chí mang World Cup đến với các đất nước nhỏ, sau khi bản báo cáo kỹ thuật vào tuần trước nhận xét việc đồng tổ chức sẽ mang đến những thách thức mới.

Dù vậy, riêng những người Hà Lan tin rằng đã đến lúc nhận được quyền tổ chức một kỳ World Cup vì đất nước họ hiện xếp thứ hai trên bảng xếp hạng của FIFA và là quốc gia có thứ hạng cao nhất chưa bao giờ tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Xứ sở hoa Tulip cũng đã 3 lần lọt vào chung kết World Cup, bao gồm cả năm 2010, và sở hữu một đội tuyển quốc gia xuất sắc nhất song chưa từng đăng quang ở World Cup. Hà Lan cũng là nơi sinh ra một vài trong số những cầu thủ vĩ đại nhất thế giới như Johan Cruyff, Ruud Gullit, Marco van Basten...


 Phái đoàn của Hà Lan và Bỉ trên đường đến buổi lễ trình hồ sơ đăng cai - Ảnh: Reuters 

Bỉ, mặc dù chỉ xếp thứ 62, cũng từng 11 lần tham dự World Cup và có thể tự hào với thời hoàng kim ở thập niên 1980 khi cái tên “Quỷ đỏ” thật sự mang đến nhiều khó khăn cho mọi đối thủ. Đây cũng là hai trong số bảy quốc gia sáng lập FIFA vào những năm đầu của thế kỷ trước.

Cung cấp xe đạp miễn phí

Bỉ và Hà Lan hiện hết sức tự hào với kế hoạch đào tạo 2.018 huấn luyện viên trên toàn thế giới cùng với những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ môi trường. Cụ thể, kế hoạch sẽ bao gồm việc cung cấp hai triệu chiếc xe đạp miễn phí tại những ga tàu để người hâm mộ có thể sử dụng làm phương tiện di chuyển đến các sân vận động. Hà Lan và Bỉ cũng gây ấn tượng khi phái đoàn của họ đến buổi lễ trình hồ sơ đăng cai trên những chiếc xe đạp.

Cả hai từng tổ chức thành công EURO 2000 song World Cup có tầm vóc lớn hơn và là con gà đẻ trứng vàng của FIFA. Do vậy, những dự báo về lợi tức thu lại sẽ khiến cơ quan điều hành bóng đá thế giới lo ngại. Hồ sơ đăng cai từ các đối thủ như Anh, Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha hoặc Nga đều cung cấp những thị trường béo bở hơn cho các nhà tài trợ và rõ ràng hấp dẫn hơn nhiều.


 Từ trái qua phải: Cựu cầu thủ Bỉ Paul van Himst, cựu cầu thủ Hà Lan Rud Gullit, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và huyền thoại Hà Lan Johan Cruyff - Ảnh: AFP 

Frank van Eekeren, một chuyên gia thể thao ở đại học Utrecht, nhận xét rằng việc Hà Lan và Bỉ giành quyền tổ chức World Cup sẽ mang đến hy vọng cho nhiều nước hơn.

“Nếu không, có thể kết luận là chỉ có khoảng 15 đến 20 nước thật sự có cơ hội tổ chức World Cup”, van Eekeren nói.

Nếu chiến thắng ở lần này, Hà Lan và Bỉ sẽ là hai nước chủ nhà nhỏ bé nhất kể từ khi Thụy Sĩ tổ chức giải đấu vào năm 1954.

Hà Lan và Bỉ rất tự tin vào hệ thống cơ sở hạ tầng của họ như giao thông công cộng và phi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm như mở rộng các sân vận động hiện tại và xây dựng những sân mới.

Hai nước hiện chỉ có 3 sân vận động có sức chứa 50.000 chỗ ngồi và kế hoạch của họ bao gồm việc xây dựng những sân mới có sức chứa 80.000 chỗ ngồi ở Brussels và Rotterdam.

Thông tin về chiến dịch của Hà Lan và Bỉ

Lý do đăng cai: Cả hai quốc gia là thành viên sáng lập của FIFA vào năm 1904 và tin rằng đã đến lúc để chứng minh việc những quốc gia nhỏ tổ chức World Cup là điều hoàn toàn có thể.

Khoảnh khắc bóng đá đẹp đẽ nhất:

Hà Lan: Vô địch EURO 1988 ở Tây Đức

Bỉ: Vào bán kết World Cup 1986 và chung kết EURO 1980.

Cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất:

Hà Lan: Johan Cruyff, cầu thủ ba lần xuất sắc nhất châu Âu và linh hồn của bóng đá tổng lực ở thập niên 1970. Ngoài ra còn có Marco van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard.

Bỉ: Thủ môn Jean-Marie Pfaff, tiền vệ Enzo Scifo, Jan Ceulemans và hậu vệ Eric Gerets ở thập niên 1980.

Số lần tham dự World Cup: Hà Lan: 9 lần; Bỉ: 11 lần.

Sân vận động chính: Các sân 80.000 chỗ ngồi đang được lên kế hoạch xây dựng ở Brussels và Rotterdam.

Ưu điểm: Kỳ World Cup tập trung nhất do hành trình dài nhất mà khán giả và di chuyển giữa các sân vận động là 360 km, mang đến sự thuận tiện cho người hâm mộ và thân thiện với môi trường. Phi trường và cơ sở hạ tầng, từ giao thông công cộng đến khách sạn, đều tốt.

Trở ngại tiềm tàng: FIFA không hứng thú với việc đồng tổ chức. Cần phải xây dựng sân vận động mới để đáp ứng tiêu chuẩn sân tổ chức chung kết và trận khai mạc. Cả hai nước đều có mạng lưới đường xá dày đặc và kẹt xe thường xuyên xảy ra.

Di sản: Tổ chức một giải đấu xanh và đào tạo số lượng lớn huấn luyện viên trên toàn cầu.

Phát biểu: Chủ tịch Ủy ban đăng cai Ruud Gullit: “Đó sẽ là kỳ World Cup xanh nhất từ trước đến giờ với kế hoạch bảo vệ môi trường chưa từng thấy trước đây".

Tỷ lệ của nhà cái: 1 ăn 50.

Dân số: Bỉ: 10,6 triệu người; Hà Lan: 16,6 triệu người.

Số lượng CLB: Bỉ có khoảng 450.000 cầu thủ chơi cho 2.000 CLB; Hà Lan có 1,2 triệu cầu thủ chơi cho khoảng 3.400 CLB.

Xếp hạng FIFA: Hà Lan: 2; Bỉ: 62.

Sơn Duân
(tổng hợp từ AFP, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.