HLV Louis Van Gaal từng nói trước giải, khi được hỏi về sơ đồ chiến thuật: “Tôi rất thích sơ đồ 5-3-2. Càng lớn tuổi (và Van Gaal, ở tuổi 71, chính là HLV già nhất tại World Cup này), tôi càng cảm nhận được cái hay của sơ đồ này. Tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi về nó”.
Denzel Dumfries đang chơi rất hay sẽ cùng Hà Lan bay cao rạng sáng mai? |
Reuters |
Trên lý thuyết, ai cũng dễ dàng tiên đoán sơ đồ chiến thuật của Hà Lan từ trước trận đấu, thậm chí đoán luôn đội hình cụ thể (7/11 vị trí trong đội hình chính là không thay đổi suốt từ đầu giải). Tất nhiên, đó chỉ là “sơ đồ chết”, cầu thủ di chuyển ra sao trong trận đấu lại là chuyện khác. Vấn đề ở đây là mọi sơ đồ chiến thuật đều đi kèm với cách vận hành chủ đạo của nó. Ở một mức độ nào đó, Hà Lan đã bị “bắt bài” từ trước khi bóng lăn rồi. Bất chấp! Nếu như Van Gaal nói thật, thì chính ông… còn đang nghiên cứu và vẫn chưa hiểu hết cái hay của sơ đồ mà ông đã chọn, từ trước đây gần chục năm. Ai muốn bắt bài, cứ bắt!
Đúng 10 năm trước, Van Gaal được giao ghế HLV trưởng Hà Lan, lần thứ hai. Ông vượt qua vòng loại World Cup 2014 với thành tích thắng 9, hòa 1 trong 10 trận vòng loại. Trước nữa, Van Gaal dẫn dắt Hà Lan lần đầu vào năm 2000. Kết quả: Hà Lan không qua nổi vòng loại World Cup 2002. Và trước khi huấn luyện đội tuyển Hà Lan thì Van Gaal là HLV xuất sắc nhất thế giới, nhờ thành tích đưa Ajax Amsterdam lên ngôi vô địch Champions League 1995. Nói đến Ajax hoặc bóng đá Hà Lan (ngày xưa) thì ai cũng biết: cứ phải chơi kiểu “tổng lực”, dựa trên sơ đồ chủ đạo 4-3-3, không chỉ chơi thiên về công mà còn phải đẹp. Ajax của Van Gaal trong thập niên 1990 chính là hình mẫu của những gì tốt đẹp nhất khiến người ta phải khâm phục bóng đá Hà Lan. Sau Ajax, Van Gaal được mời sang Barcelona huấn luyện.
Nhắc lại kỹ càng như thế để thấy: không ai phải nhắc Van Gaal về giá trị của bóng đá Hà Lan. Không chỉ thành công rực rỡ, ông còn thất bại đau đớn với cách chơi tổng lực và sơ đồ 4-3-3 (bị Ireland loại khỏi World Cup 2002). Thế nên, sau khi thành công ở vòng loại World Cup 2014, ông nghiền ngẫm và thực hiện cú thay đổi táo bạo: chuyển sang chơi phòng ngự - phản công, với sơ đồ 5-3-2, và chỉ với vài trận giao hữu để thử nghiệm trước VCK. Ông phớt lờ búa rìu dư luận ở thời điểm ấy. Vào giải, Hà Lan bị dẫn điểm bởi Tây Ban Nha - khi ấy đang được ca ngợi là đội bóng hay nhất thế giới qua mọi thời đại (vô địch liên tiếp 3 giải đấu lớn EURO 2008, World Cup 2010, EURO 2012). Lạ thay, Hà Lan thắng ngược đội bóng của Iniesta đến 5-1, rồi tiến đi rất xa. Đội bóng của Van Gaal không thua trận nào tại World Cup 2014, chỉ bị Argentina loại khỏi trận chung kết vì loạt sút luân lưu, thắng chủ nhà Brazil 3-0 trong trận tranh hạng 3.
Bây giờ, Van Gaal lại dẫn dắt Hà Lan lần thứ ba, và ông quyết đưa cách chơi phòng ngự - phản công, theo sơ đồ “ruột” 5-3-2, lên hàng nghệ thuật! Hà Lan mà thắng Argentina của Lionel Messi thì đó là… nghệ thuật, chứ chẳng đùa! Trước mắt, xem kỹ cách đá “không giống ai” của Hà Lan trong suốt 4 trận vừa qua, giới chuyên môn phải thừa nhận: đúng là đội này có những nét rất riêng, chứ thật ra sơ đồ 5-3-2 hay 3-4-1-2 cũng chẳng có gì lạ.
Trong cách chơi thiên về phòng thủ - phản công, Hà Lan giữ bóng khá ít (bình quân 53%, chỉ cao hơn Ma Rốc trong số các đội còn lại). Tỷ lệ chuyền chính xác cũng chỉ cao hơn Ma Rốc. Từ hàng thủ lên đến tiền vệ, Hà Lan thường chơi “1 kèm 1” - cách chơi bị cho là “cổ lỗ sĩ”. Cầu thủ Hà Lan bám chặt “đối tượng” như hình với bóng. Cũng có trường hợp, đội hình Hà Lan bị cắt hẳn thành hai phần: 7 người phòng ngự (gồm 5 hậu vệ và 2 tiền vệ làm lá chắn) và 3 người tấn công xa tít phía trên. Có bóng, họ sẽ chuyển ra biên (Denzel Dumfries bên phải hoặc Daley Blind bên trái), và đó sẽ là khởi điểm của một pha tấn công thần tốc. Trông rất đơn giản, nhưng rất khó đá với họ!
Bình luận