Thủ tướng Mark Rutte và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: TTXVN |
Theo đó, trong thời gian thăm VN, Thủ tướng Mark Rutte đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chủ trì Cuộc họp cấp cao về việc triển khai Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long, dự Hội thảo về năng lượng và gặp gỡ doanh nghiệp hai nước.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo VN và Hà Lan đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi nước, trao đổi ý kiến về quan hệ hợp tác VN - Hà Lan và các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai bên thống nhất cùng nỗ lực tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư; ủng hộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp VN và Hà Lan tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, kết nối đối tác, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; thống nhất phối hợp triển khai hiệu quả “Thỏa thuận Đối tác chiến lược về nông nghiệp và an ninh lương thực” được ký kết trong chuyến thăm. Hai bên hài lòng ghi nhận việc các công ty dầu khí hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác hiệu quả; hoan nghênh việc ký Hợp đồng khung mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng cho dự án kho cảng Thị Vải và Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dự án kho cảng nhập khí hóa lỏng Sơn Mỹ tại VN; nhất trí tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí ký năm 2011.
Hai bên ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về kinh tế biển trên tinh thần Bản ghi nhớ về hàng hải, phát triển và quản lý cảng và nạo vét, ký năm 2012. Phía Hà Lan khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành đóng tàu VN trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, từng bước chuyển giao công nghệ đóng tàu cho VN. Hà Lan nhất trí tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho VN trong một số lĩnh vực quan trọng như môi trường, nông nghiệp, quản lý nước, giáo dục và đào tạo đại học hướng nghiệp, thông qua khuôn khổ các chương trình hợp tác giữa hai chính phủ (G2G), giữa các doanh nghiệp (B2B) và giữa các trường đại học và viện nghiên cứu; tiếp tục thực thi hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn tất việc thực hiện Sáng kiến nâng cao năng lực giáo dục đại học (NICHE).
Hai bên bày tỏ đặc biệt quan ngại về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực. Phía Hà Lan khẳng định lại lập trường phù hợp với Tuyên bố của EU ngày 8.5 và ủng hộ nội dung Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN ngày 10.5 về tình hình tại biển Đông, theo đó thúc giục tất cả các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cũng như việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng kết quả chuyến thăm chính thức VN của Thủ tướng Mark Rutte sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa VN và Hà Lan tiếp tục phát triển sâu rộng và thiết thực, đáp ứng nhu cầu của mỗi nước, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.
TTXVN
>> Người Việt ở Hà Lan biểu tình phản đối Trung Quốc
>> Doanh nghiệp Hà Lan tìm cơ hội đầu tư tại ĐBSCL
>> Chuyến công du Hà Lan của Thủ tướng: Kết quả "ba trong một
>> Thủ tướng tới Hà Lan dự Hội nghị an ninh hạt nhân
Bình luận (0)