Hà Nội cân nhắc cho hàng quán mở cửa, học sinh đi học lại

22/02/2021 18:53 GMT+7

Sau 7 ngày không có ca mắc mới, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa giao các sở, ngành đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 để dần dần đưa các hoạt động trở lại bình thường, trong đó có việc học sinh đi học .

Chiều 22.2, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế đã tính đến việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, do đã 7 ngày Hà Nội không có ca mắc mới và hơn 40.000 mẫu xét nghiệm người ở vùng dịch về (chủ yếu là Hải Dương) đã cho kết quả âm tính. 
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, thành phố sẽ theo dõi tình hình dịch đến hết tuần này, trên cơ sở kết quả xét nghiệm và diễn biến dịch, trong tuần tới, "có thể thay đổi về mặt giãn cách xã hội", học sinh có thể quay trở lại trường, các lễ hội có thể hoạt động...

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 22.2: Hải Phòng lại 'nóng' vì các ca bệnh mới

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thì cho rằng, với con số trên 41.000 mẫu/51.000 mẫu xét nghiệm người trở về từ vùng dịch đã cho kết quả âm tính (số còn lại đang đợi kết quả), Hà Nội "hy vọng có thể có bước triển khai tiếp theo là nới rộng hoạt động kinh doanh và học tập trên địa bàn thành phố".
Tuy nhiên, cả ông Hiền và ông Hạnh đều nhấn mạnh, Hà Nội vẫn còn nguy cơ. Dẫn việc qua xét nghiệm sàng lọc, Hải Phòng đã phát hiện một ca mắc Covid-19 là cán bộ y tế của Bệnh viện Giao thông vận tải, ông Hiền đề nghị nếu bệnh viện nào có khả năng thì chủ động xét nghiệm cho cán bộ y tế ở những vị trí làm việc có nguy cơ cao, vì nếu đợi chỉ đạo của thành phố thì sẽ lâu (CDC Hà Nội phải xét nghiệm hết số người từ vùng dịch về rồi mới chuyển sang các đối tượng khác).
Ngoài ra, ông Hiền cũng khuyến nghị các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp đánh giá nguy cơ của mình và chủ động xét nghiệm sàng lọc, vì nếu cơ sở nào có trường hợp dương tính thì cơ sở đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
"Đề nghị các cơ sở có kế hoạch giám sát, xét nghiệm, chủ động kinh phí, vì thành phố không thể đảm đương được. Bí thư Thành uỷ cũng đã chỉ đạo phối hợp xã hội hoá chỗ này, nếu được thì sẽ chủ động và kiểm soát được dịch trên địa bàn thành phố sớm", ông Hiền nói và cho biết "Hết tuần này, nếu tình hình ổn định, có thể đưa các hoạt động đi học, kinh doanh trở lại".

Chiều 22.2: Thêm 9 ca mắc Covid-19 ở Hải Phòng và Hải Dương

Kết luận cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cũng cho rằng, nếu tuần này Hà Nội không xuất hiện thêm ca dương tính và không có biến cố nào đặc biệt, thì các sở, ngành có thể đánh giá nguy cơ để đề xuất cho các cơ sở quay trở lại hoạt động.
Ông Dũng yêu cầu các sở có đánh giá muộn nhất vào 25.2 gửi Sở Y tế để báo cáo Thường trực Thành uỷ, lãnh đạo thành phố quyết định.
"Ví dụ ngày 16.2 Hải Dương bắt đầu giãn cách, thì 14 ngày sau, tức là 2.3, học sinh có thể quay trở lại học bình thường. Với phương án này, Sở GD-ĐT đánh giá thế nào, nguy cơ ra sao, nếu đi học thì yêu cầu phòng chống dịch bệnh thế nào? Các sở, ngành khác cũng đánh giá nguy cơ với các hoạt động vừa qua thành phố đã có yêu cầu tạm dừng để có cơ sở quyết định", ông Dũng yêu cầu.

Cái Tết khó quên trong con hẻm Sài Gòn vừa kết thúc phong tỏa vì Covid-19

Khám nghiệm pháp y bệnh nhân người Nhật tử vong: Có dấu hiệu tổn thương phổi
Tại buổi họp, lãnh đạo Q.Tây Hồ cũng đã có báo cáo nhanh về kết quả khám nghiệm pháp y đối với bệnh nhân 2229, bệnh nhân người Nhật tử vong trên địa bàn quận.
Theo đó, vị này dẫn báo cáo của công an quận cho biết, không có dấu hiệu ngoại lực tác động vào bệnh nhân, không có độc tố. Bệnh nhân có bệnh nền là suy tim và có sử dụng máy thở lúc tử vong.
Bệnh nhân có dấu hiệu phổi bị tổn thương, nhưng theo ý kiến của ngành công an, phải 2 ngày nữa mới có kết quả chính thức.
Về việc phong toả khách sạn Somerset - có liên quan đến bệnh nhân này, Q.Tây Hồ đề xuất tiếp tục phong toả đến hết 28.2 và tiếp tục xét nghiệm với các trường hợp tại khách sạn này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.